Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY SẬP "BẪY VÀNG" CỦA NGA?


Một doanh vụ siêu kinh điển như…trong phim Mỹ, khiến chúng ta chưa tin đó là sự thật.

Cuộc chiến vàng - dầu - Dollar

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, để khuất phục Nga, Mỹ và phương Tây tiến hành một cuộc chiến tiền tệ hòng làm sụp đổ nền kinh tế Nga bằng đòn USD-dầu mỏ. Đó là dùng sức mạnh toàn cầu của đồng USD kết hợp cùng những “cá mập tài chính” làm mất giá đồng Ruble, đồng thời giảm giá dầu tối đa để đánh vào nguồn ngân sách chính của doanh thu xuất khẩu và nguồn chính bổ sung vàng dự trữ của Nga.

Phải công nhận, đây là đòn hiểm, miếng võ “gia truyền” của Mỹ-phương Tây. Nói là “gia truyền” vì trước đây chính quyền của Tổng thống R.Reagan đã dùng và đã có hiệu nghiệm lớn khi hạ “knock out” Liên Xô, không những thế, sức mạnh và nguy hiểm của nó ngày nay còn khủng khiếp hơn khi đồng USD của Mỹ đang trở thành chúa tể thế giới và trong bản thân nước Nga đang tồn tại những “cá mập tài chính”.

Hiệu quả của đòn đánh bất ngờ này là sự thảm bại thê thảm của đồng ruble Nga. Ngày 16/12 được coi là “ngày thứ 3 đen tối” khi đồng Ruble giảm tới 10% và khiến Ngân hàng trung ương Nga quyết định tăng ngay lãi suất lên đến 17%/năm nhưng vẫn không ngăn được tình trang mất kiểm soát.

Cùng với giá dầu giảm kỷ lục, đã khiến cho giới quan sát cảm nhận được khủng hoảng kinh tế Nga đến hồi trầm trọng. Tuy nhiên, ngày 18/12, Putin trong cuộc họp với hơn 1200 phóng viên báo chí vẫn tươi cười và cho rằng: “Nền kinh tế Nga như hiện nay thì chỉ chừng 25-30% là do Mỹ-EU cấm vận và giá dầu giảm”. Vậy còn 70% là tại đâu? Có liên quan gì đến “những cá mập tài chính”?

1- Doanh vụ chưa từng có trong lịch sử thị trường tài chính(!)
“Trước đây, một phần cổ phiếu của các công ty năng lượng thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài (người Mỹ và EU) - điều này có nghĩa rằng gần một nửa doanh thu không rơi vào ngân khố Nga mà vào các tài khoản những “cá mập tài chính" của châu Âu, Mỹ.

Khi Mỹ-phương Tây ra đòn, đồng ruble bất ngờ giảm sút, nhưng ngân hàng trung ương không làm gì được để duy trì tỷ giá đồng ruble, xuất hiện những tin đồn đại rằng Nga không có dự trữ ngoại tệ để duy trì tỷ giá đồng ruble. Những tin đồn này và tuyên bố của Putin rằng ông sẵn sàng và sẽ bảo vệ người dân sử dụng tiếng Nga ở Ucraina đã đưa đến sự giảm sút lớn giá cổ phần của các công ty năng lượng Nga và "những cá mập tài chính" bắt đầu bán cổ phần khi chúng hoàn toàn chưa mất giá trị thực.

Putin đã chờ suốt một tuần, và khi giá đã sụt dưới ngưỡng, ông đã bất ngờ ra lệnh lập tức mua sạch tất cả các cổ phần của cả người Mỹ và người châu Âu. Khi "những cá mập tài chính" nhận thức được rằng họ bị đánh lừa thì đã muộn, các cổ phần đã nằm trong tay Nga và bây giờ Nga kiếm được hơn 20 tỷ dollars. Nhưng vấn đề quan trọng hơn nhiều 20 tỷ dollars là người Nga đã lấy lại hơn 30% cổ phần, làm chủ hoàn toàn các công ty của mình và bây giờ doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt sẽ không chạy ra nước ngoài, mà sẽ ở lại Nga, giá trị đồng ruble tự thân tăng lên và không cần chi dự trữ vàng ngoại tệ để duy trì nó, còn những "cá mập tài chính" của châu Âu, chỉ trong vài phút họ đã bị mua sạch các cổ phần và không còn doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt”. (theo Kichbu)

Một doanh vụ siêu kinh điển như…trong phim Mỹ, khiến chúng ta chưa tin đó là sự thật. Tuy nhiên, doanh vụ tiếp theo của Nga sau đây là hiện thực.

2- Dùng vàng để triệt tiêu sự thống trị của dollars

Đã đến thời dollars phải chia xẻ quyền lực?
 Trong thế giới tài chính, vàng được coi như antidoollars (kháng dollars), nghĩa là trong giao dịch, dự trữ ngân khố thì chỉ có vàng mới có giá trị thách thức được sức mạnh của dollars. Vàng, có thể và duy nhất hiện nay, thay thế được dollars để trở thành phương tiện thanh toán cuối cùng và tích lũy tài sản.

Nhưng là quốc gia bá chủ thế giới, Mỹ buộc thế giới phải coi tờ dollars của Mỹ là thứ giao dịch mạnh nhất, có giá trị nhất và thực tế, với một nền kinh tế hàng đầu thế giới, dollars của Mỹ có sức mạnh như hiện nay là tất yếu. Và đương nhiên, để bảo vệ quyền thống trị của dollars trên thị trường tiền tệ toàn cầu, Mỹ có những chính sách, luật, để “đàn áp” buộc giá trị vàng phụ thuộc vào dollars tức phụ thuộc vào sự điều chỉnh của Mỹ.
Năm 1971, Tổng thống Mỹ R.Nixon ra lệnh đóng “cửa sổ vàng”, chấm dứt việc trao đổi tự do vàng với dollars.

Năm 2014 khủng hoảng Ukraine, Mỹ-phương Tây, bằng các nổ lực và nguồn lực của mình đã can thiệp vào giá dầu và vàng để làm tăng sức mạnh của dollars nhằm đánh sập nền kinh tế Nga. Tổng thống Nga V. Putin lập tức mở “cửa sổ vàng” bắt đầu trao đổi tự do giữa vàng và dollars mà không cần “xin phép Mỹ”.

Thứ nhất, về xuất khẩu. Nga không coi dollars là phương tiện thanh toán cuối cùng, không coi dollars là nguồn tích lũy chính mà thay vào đó là VÀNG. Tiền dollars thu được từ bán dầu, khí đốt…cho phương Tây đều được Nga quy ra vàng và biến thành vàng ngay và luôn.

Điều thú vị, trớ trêu ở đây là Mỹ-phương Tây mua hàng của Nga phải thanh toán bằng dollars, mà giá trị thực của dollars đã được Mỹ-phương Tây đẩy lên cao để giảm giá dầu và vàng (giả tạo), trong khi đó, Nga thì sử dụng tiền dollars thu được này để mua ngay vàng với cái giá thấp giả tạo đó. Rốt cuộc, “Nga đã đưa Mỹ-phương Tây vào vị trí của một con rắn, mạnh mẽ và siêng năng nuốt đuôi của chính mình”. Đây là lời bình mà tôi cho rằng hay nhất trong năm bởi Golbal Research thay vì như “tự ghè đá vào chân mình”, “gậy ông lại đập lưng ông”…
Chúng ta còn nhớ, vào những năm 70-80, Nhật đã mua rất nhiều tài sản ở Mỹ, kể cả trái phiếu chính phủ, vì Nhật có thặng dư mậu dịch lớn với Mỹ giống như Trung Quốc bây giờ. Thế rồi năm 1985 Mỹ đã buộc Nhật phải ký vào Plaza Accord để đồng yen lên giá hơn 50% so với đồng USD trong hai năm sau đó. Điều này tương đương với tất cả các khoản đầu tư trước đây của Nhật vào Mỹ bị mất giá hơn một nửa, cũng có nghĩa là Mỹ đã trắng trợn “quịt” 50% số nợ với Nhật.

Mỹ tuy chưa làm được điều này với Trung Quốc nhưng hơn 3000 tỷ dollars trái phiếu sẽ bị FED thao tác “bốc hơi” lúc nào là chuyện dễ như trở bàn tay. Trung Quốc thừa biết nhưng vì mục tiêu tăng trưởng nên buộc phải chấp nhận “lót tay”, chấp nhận có thể bị “quỵt nợ” ,“cố đấm ăn xôi” mà thôi.

Rõ ràng là Trung Quốc và Nhật Bản đã đem của cải, tài nguyên của mình đổi lấy những tờ dollars của Mỹ, do Mỹ in và phát hành, nhưng Nga thì không, Nga đem những thứ đó để đổi lấy vàng. Đây là những con số nói lên tất cả: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết dự trữ vàng của Liên bang Nga trong tháng 11 năm nay đã tăng thêm 19 tấn, đạt con số 1.187,5 tấn. Đây là chỉ số dự trữ vàng cao nhất của nước này trong 20 năm qua. Nga đã nhập khẩu vàng suốt 8 tháng nay để tận dụng mức giá thấp. Trong quý 3 năm nay, khi giá vàng đã giảm 1,9%, tất cả ngân hàng trên thế giới mua vào 93 tấn thì Nga chiếm một con số kinh ngạc là 55 tấn.
Thứ hai là về thanh toán nhập khẩu. Nga tuyên bố thanh toán bằng vàng được quy đổi theo dollars. Tuyên bố này gửi đến các nước BRICS và Trung Quốc hưởng ứng nhiệt liệt. Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên bố “Dừng việc tăng dự trữ quốc gia bằng đồng dollars”. Điều này có nghĩa là cũng như Nga, vẫn chấp nhận lấy dollars làm phương tiện trung gian thanh toán hàng hóa, nhưng sau đó sẽ loại bỏ nó bằng một thứ khác trong cơ cấu dự trữ quốc gia.

Có thể nói quan hệ Nga-Trung được coi là thành công nhất trong vụ hạn chế, tiến tới triệt tiêu sự bá chủ của đồng dollars mà Trung Quốc ấp ủ từ lâu. Hàng hóa của Trung Quốc và năng lượng của Nga được thanh toán cuối cùng bằng vàng. Trong cuộc chơi này, trong rổ tiền tiền tệ của nhóm nước BRICS sẽ không có sự xuất hiện của đồng dollars.

Châu Âu phải mua năng lượng của Nga bằng vàng và mua hàng hóa của Trung Quốc cũng phải bằng vàng và chắc chắn lúc đó vàng từ nguồn dự trữ của phương Tây sẽ chảy vào kho của các quốc gia BRICS, những quốc gia mà họ không dùng đồng dollars làm phương tiện thanh toán cuối cùng.
Vàng không dễ sản xuất như in ấn dollars, với sự giảm mạnh lượng dự trữ vàng hiện nay, phương Tây chỉ có thể chờ ngày dollars rời khỏi vũ đài lịch sử khi nó không còn là một phương tiện thanh toán, dự trữ cuối cùng cho các quốc gia trên thế giới. Những gì Nga và Trung Quốc đang làm cùng các nước BRICS đã thực sự thay đổi dần vị thế, vai trò của đồng dollars trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Khi giá dầu giảm đến mức thấp nhất, Liên Xô lúc đó, đã bán vàng trong kho của mình. Kết quả là Liên Xô bị tan rã. Mỹ-phương Tây lên ngôi, đồng dollars đã trở thành chúa tể thế giới.

Còn bây giờ, khi giá dầu giảm đến mức thấp nhất thì Nga lại mua vàng nhập vào kho của mình. Kết quả sẽ ra sao? Đó sẽ là sự sụp đổ sự bá quyền của dollars-dầu lửa, mô hình thống trị thế giới của Mỹ-phương Tây?

Mỹ và phương Tây sẽ làm gì? Theo truyền thống, để loại bỏ mối đe dọa quyền bá chủ và lợi ích quốc gia, Mỹ-phương Tây sẽ tiến hành lật đổ chế độ Nga-Putin (cách mạng màu) hoặc tấn công bằng quân sự vào Nga, nhưng cả hai cách này xem ra đều không thể.

Mỹ-phương Tây đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng và tuyệt vọng trong “cái bẫy vàng” tiền tệ của Putin sau khi đã quá hiểu quy tắc vàng: “Ai có nhiều vàng ra những quy định” và chưa biết làm gì để thoát ra.


Theo Đất Việt



Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

CHÚ CHÓ ĐÁNH HƠI THẤY KIM CƯƠNG

Một trong hai chú chó được chủ dắt đi dạo trên đường làng đã đánh hơi và đào được dưới hàng rào viên kim cương trị giá hơn 18.000 USD bị mất cách đây hơn 4 tháng.

Tin tức từ Daily Mail cho biết, sự việc xảy ra hôm 23/12, khi ông Allan Bell, 75 tuổi, một tài xế đã nghỉ hưu, đang dắt hai chú chó Rosie và Dylan đi dạo trên đường ở làng Brattleby, hạt Lincolnshire, Anh. Bất ngờ, Rosie đánh hơi được mùi lạ và đào bới đất bên dưới một hàng rào.
Theo lời kể của ông Bell, Rosie đã cào bới đất khoảng 10 phút trước khi kéo một gói hàng kèm theo một chiếc dù màu cam cũ. Khi trở về nhà, ông cùng vợ mình, bà Pat, đã mở gói hàng và phát hiện viên đá quý sáng lấp lánh có kèm một số điện thoại.

Viên kim cương trị giá 18.000 USD mà chú chó Rosie đào được

Bà Pat sau đó đã gọi cho các quản lý ở cửa hàng 77 Diamonds và nói với họ chồng bà tìm thấy viên kim cương mất tích bên dưới một hàng rào. Đây là viên kim cương 1,14 carat nằm trong một chiến dịch quảng bá thú vị của của hàng này hồi tháng 8.
Cửa hàng đã cho viên kim cương trị giá 18.000 USD (khoảng 360 triệu VNĐ) du ngoạn trên một khinh khí cầu cách mặt đất gần 30.500 m hôm 7/8. Sau đó bất ngờ được cho "nhảy dù". Khi đó, tín hiệu định vị viên kim cương đã bị mất và cũng không có bất kỳ ai ở khu vực xung quanh nên dường như viên đá quý đã biến mất.
Ông Bell cho biết đã nhìn thấy thông tin về viên kim cương mất tích trên tivi hồi tháng 8 nhưng ông không quan tâm đến điều này dù mỗi ngày ông đều dắt chó đi dạo. Ông cũng nói thêm rằng không bao giờ nghĩ sẽ tìm được viên kim cương.

Ông Allan Bell cùng chú chó Rosie đã tìm thấy viên kim cương mất tích

Ngay khi thông tin viên kim cương mất tích được lan truyền, hàng ngàn người tìm kho báu đã kéo đến khu vực này để săn lùng viên đá quý nhưng tất cả đều không thành công.
Tobias Kormind, nhà đồng sáng lập cửa hàng 77 Diamonds, cho hay khi viên kim cương “biến mất” ông cho rằng sẽ không bao giờ tìm thấy được nó. Tuy nhiên, ông Kormind cảm thấy rất ngạc nhiên khi bà Pat gọi điện báo và hy vọng vợ chồng bà sẽ tận hưởng niềm vui vì phát hiện này.
Dù rất vui mừng khi tìm thấy viên kim cương nhưng bà Pat vẫn chưa quyết định sẽ bán hay giữ lại làm trang sức. Bà Pat chia sẻ chồng bà có thể bán viên kim cương để thực hiện chuyến du ngoạn ở Địa Trung Hải nhằm tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày cưới của cả hai. Ông Allan cũng cho hay cả hai chú chó sẽ nhận được những điều đặc biệt vì phát hiện lớn này.

Theo Người đưa tin


Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

MỎ KIM CƯƠNG ĐỦ CHO THẾ GIỚI DÙNG 3000 NĂM



Tuần trước, Viện Địa lý và Khoáng vật Sobolev ở Novossibirsk thuộc Siberia đã công bố một số thông tin hiếm hoi liên quan đến mỏ kim cương bí mật Popigaï, nơi có trữ lượng đủ đáp ứng nhu cầu kim cương cho cả thế giới trong 3000 năm tới. Theo các chuyên gia, việc khai thác mỏ này có thể dẫn đến một “cuộc cách mạng công nghiệp” trên thế giới.
Mỏ Popigaï được phát hiện vào đầu thập niên 1970 tại một vùng hoang vu thuộc Siberia. Nơi gần mỏ này nhất là Khantiga cũng cách đến 400 km, còn thủ phủ Krashnoïrsk thì cách đến 2.000 km. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mỏ kim cương này được coi là "dự trữ chiến lược" của Liên Xô trước đây và thông tin về sự hiện diện của mỏ được xem là tuyệt mật.
Hiện Công ty khai thác kim cương Alrosa của Nga đang khảo sát và khai thác mỏ kim cương Popigaï
Theo tiết lộ mới nhất của Viện Địa lý và Khoáng vật Sobolev mỏ Popigaï nằm tại một khu vực hình phễu có đường kính hàng trăm km, do một tiểu hành tinh bị rơi xuống cách đây 35 triệu năm tạo thành. Tác động của cú sốc đã khiến than chì trong vòng bán kính khoảng hơn 10 km xung quanh điểm rơi lập tức biến thành kim cương.
Giám đốc Viện Sobolev Nikolaï Pokhilenko cho biết loại kim cương "công nghiệp" này, đa số có đường kính từ 0,5-2 ly, hiện diện dưới dạng các hạt màu xám, xanh hay vàng trông giống như những hạt bụi. Các chuyên gia của Viện khẳng định, loại kim cương của mỏ Popigaï thường được sử dụng để làm các mũi khoan và trong các thiết bị hàng không, có trữ lượng tính theo carat lớn gấp 110 lần so với trữ lượng kim cương trên thế giới.
Hố Popigai trong một bức ảnh do vệ tinh của Mỹ chụp. 
Ngoài ra, kim cương ở Popigaï bền gấp đôi so với kim cương truyền thống được sản xuất ra để dùng trong công nghiệp. Các chuyên gia Liên Xô biết thế, nhưng vào thời kỳ đó, theo ông Pokhilenko, thì Liên Xô “chủ trương xây dựng các nhà máy sản xuất kim cương nhân tạo, và mỏ kim cương Popigaï được để nguyên trạng”.
Và thế là mỏ Popigaï bị bỏ quên trong suốt ba mươi năm qua. Đến năm 2009, Viện Sobolev mới quyết định nghiên cứu về tiềm năng của mỏ kim cương này. Trong điều kiện về kinh tế, xã hội, chính trị sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, loan báo về sự hiện hữu của mỏ hầu như không được ai quan tâm đến.
Ông Pokhilenko nhấn mạnh, hiện nay tuy mới chỉ thám sát có 0,3% khu vực mỏ Popigaï, nhưng lượng kim cương tại đây đã lên đến 147 tỷ carat. Trong khi đó trữ lượng toàn cầu về kim cương được ước tính chỉ vào khoảng 5 tỷ carat. Nhà khoa học khẳng định: “Với tiến độ sử dụng kim cương công nghiệp hiện nay, trữ lượng của mỏ Popigaï tương đương với nhu cầu trong vòng ba ngàn năm” và có thể dẫn đến “một cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới”, nhất là trong ngành chế tạo máy bay và xe hơi.
Còn Phó giám đốc Iakoutnipromalmaz, một công ty chuyên về kỹ nghệ kim cương tại Iakoutie, thuộc Siberia đông phương lo ngại: “Mỏ Popigaï có thể làm đảo lộn tình hình trên thị trường kim cương và không thể nào đoán được giá cả sắp tới sẽ ra sao”.
Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, việc khai thác trữ lượng kim cương ở Popigaï có thể sẽ rất tốn kém. Lớp kim cương nằm tại một vùng đất đóng băng quanh năm, cách xa tất cả những tuyến đường bộ lẫn đường sắt. Nhà nghiên cứu Nicolaï Toutchkov của Viện Sobolev cho biết: “ Mỏ kim cương ở tại một nơi vô cùng hẻo lánh, cách Bắc cực gần 200 km và cách địa phương gần nhất 400 km”. Tuy vậy, có thể kết hợp việc khai thác mỏ Popigaï với các loại quặng mỏ khác ở gần đó, như vậy có thể giảm bớt được chi phí.

Theo Báo mới




Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

CHÂU PHI, KIM CƯƠNG MÁU VÀ GLOBAL WITNESS

Trong bộ phim nổi tiếng Moulin Rouge, “thiên nga Úc” xinh đẹp Nicole Kidman có tuyên bố rằng với các cô gái: “Kim cương là người bạn tuyệt vời nhất!”. Nhưng thực sự, có phải lúc nào những viên kim cương lấp lánh cũng “tuyệt vời”?
Và đằng sau sự hào nhoáng được quy ra carat kia, liệu có ai biết tới sự thật về châu Phi, về máu và nước mắt của những người dân nghèo vô tội và nỗ lực của không ít các tổ chức quốc tế, điển hình là Global Witness, trong việc vạch trần tội ác?
Châu Phi
Nghĩ tới châu Phi, người ta thường nghĩ tới cụm từ “lục địa đen”, ám chỉ không những đặc trưng da đen và da màu của những người dân ở đây mà còn hàm ý cuộc sống tăm tối của họ. Ngoại trừ Nam Phi, quốc gia của cựu Tổng thống Nelson Mandela nổi bật với các thành tích về công ngiệp và kinh tế, đa phần các quốc gia còn lại thay nhau“đội sổ” trong Báo cáo Phát triển Con người của Liên hợp quốc.
Lục địa chiếm 1/5 diện tích toàn cầu cũng là khu vực dồi dào tài nguyên bậc nhất thế giới với dầu mỏ, bên cạnh hàng loạt tài nguyên quý giá khác như khí đốt, vàng, bạch kim và kim cương, urani, niken, quặng bô xít, gỗ, titan… tạo nên nguồn thu khổng lồ cho chính phủ các quốc gia châu Phi. 
Theo báo Economist, riêng với dầu mỏ, chỉ có 5 trong số 55 quốc gia thuộc châu lục này không sở hữu trữ lượng dầu mỏ, số còn lại đều có khả năng cho khai thác với sản lượng cao.
Thống kê của Hội đồng Kim cương thế giới cũng chỉ ra, 65% sản lượng kim cương của thế giới nằm tại Châu Phi và lục địa này cũng nắm giữ khoảng 8,5 tỷ USD doanh số kim cương trong ngành công nghiệp toàn cầu!
Một lục địa với nền văn minh sông Nile lâu đời, sự trù phú về tài nguyên thiên nhiên, trong đó đa phần là những khoáng sản đắt giá… Nhưng thực tế đời sống người dân châu Phi nhiều năm nay vẫn chìm trong đói khổ. Và thậm chí khi thế giới liên tục chứng kiến sự trỗi dậy của khối BRICs, các quốc gia châu Á, người ta vẫn chưa thấy một sự phát triển đột biến nào bắt nguồn từ “thế giới thứ ba”.
Câu hỏi đặt ra là: tiền từ khai thác khoáng sản đi đâu?
Kim cương máu
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, kim cương máu (hay còn được gọi là kim cương xung đột, kim cương chuyển đổi, kim cương nóng, kim cương chiến tranh) là “những viên kim cương có nguồn gốc từ các khu vực dưới quyền kiểm soát của những lực lượng, phe phái chống đối chính phủ bất hợp pháp, và được sử dụng để tài trợ cho những hành động quân sự chống đối chính phủ, hoặc trái với các quyết định của Hội đồng Bảo an”.
Những viên kim cương máu đầu tiên được tìm thấy lần đầu tiên ở Angola, vùng trước kia là thuộc địa của Bồ Đào Nha tại châu Phi.
Năm 1975, sau khi giành được độc lập, Angola vẫn chìm trong nội chiến giữa ba tổ chức MPLA, UNITA, FNLA cho tới tận 2011. Trong giai đoạn 1992- 1998, UNITA (Liên minh quốc gia về độc lập toàn Angola) đã vi phạm thỏa thuận Bicesse 1991 và buôn lậu số lượng kim cương trị giá gần 3,7 tỷ USD để lấy tiền nuôi quân đội chống chính phủ. Tổng giá trị kim cương lớn tới mức Liên hợp quốc phải vào cuộc và tới 1998, đã cho thông qua các điều luật 1173 và 1176 về cấm buôn bán kim cương có nguồn gốc tranh chấp từ Angola. Người ta bắt đầu nghe tới khái niệm kim cương máu!
Theo các báo cáo, khoảng 20% tổng sản lượng kim cương sản xuất ở Angola trong những năm 1980 đã bị rao bán bất hợp pháp và 19% khác bị tranh chấp trong điều kiện tự nhiên. Tới 1999, số liệu của Hội đồng Kim cương Thế giới cho thấy, giao dịch kim cương bất hợp pháp đã giảm xuống còn 3,06% và tới 2004 thì chỉ còn lại khoảng 1%. Liên hiệp quốc gần đây cũng đưa ra con số lượng kim cương trị giá khoảng 23 triệu USD đã được khai thác ở khu vực Bờ Biển Ngà và len lỏi vào thị trường kim cương quốc tế.
Năm 2000, Đại sứ Canada Robert Fowler theo phân công của Liên hợp quốc được giao nhiệm vụ đã viết bản báo cáo Fowler gây chấn động, trong đó nêu tên nhiều quốc gia, tổ chức và nhân vật có liên quan tới đường dây buôn bán kim cương máu. Cộng đồng quốc tế dấy lên mối lo ngại, việc xuất khẩu “kim cương máu” có thể giúp các phe phái có thêm nguồn tài chính phục vụ chiến tranh.
Năm 2002, Hiệp định Kimberley ra đời tiếp theo điều luật 1295 của Liên hợp quốc, theo đó, các quốc gia sẽ không được phép xuất khẩu kim cương nếu trong nước đang xảy ra xung đột. Tới thời điểm 2010, đã có 75 chính phủ tham gia vào Hiệp định Kimberley.
Cựu Tổng thống Liberia Charles G. Taylor – nhân vật từng bị buộc tội “chống lưng”cho quân đội Sierra Leone bằng việc đổi vũ khí lấy kim cương lậu, là lãnh đạo châu Phi đầu tiên phải ra hầu tòa quốc tế về tội ác chiến tranh. 
Năm 2010, siêu mẫu Naomi Campbell khai nhận trước phiên tòa của Liên hợp quốc xét xử cựu độc tài Charles Taylor rằng đã nhận kim cương máu từ tay ông này. Ngày 30/5/2012, Taylor bị tuyên phạt 50 năm tù tại Anh. Một lần nữa, người ta hiểu rằng không phải viên kim cương nào cũng chứa đựng sau nó một câu chuyện “đẹp đẽ”!

Thứ trưởng Bộ Khai Khoáng Liberia, Kpandel Fayia từng phát biểu “Tôi đã sống ở Liberia trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 15 năm qua, và tôi đã chứng kiến quá nhiều những áp bức vô lý trong thời gian ấy, rất nhiều trong số đó liên quan tới kim cương. […]. Điều này cần phải được cảnh báo và nó phải chấm dứt”.
Global Witness
Global Witness, tổ chức gần đây được biết đến tại Việt Nam với cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai liên quan tới việc phá rừng, tham nhũng tại thị xã Attapeu, Lào, chính là tổ chức quốc tế đầu tiên phát hiện ra mối liên quan giữa việc buôn lậu kim cương và các cuộc tranh chấp tại châu Phi. 
Năm 1998, báo cáo mang tên Cuộc mua bán tàn khốc (The Rough Trade) của Global Witness đã vạch trần những cuộc xung đột đẫm máu vì kim cương tại Angola, Congo, Siera Leone, Liberia và Bờ Biển Ngà. Ước tính thiệt hại của các cuộc nội chiến này có thể lên tới 4 triệu người, kéo theo hàng loạt quốc gia bị tàn phá cộng các ảnh hưởng nặng nề khác.
Mặc dù đạt được một vài thành công trong những năm đầu hoạt động, trong đó đáng chú ý là việc giúp đỡ nhiều quốc gia châu Phi tăng doanh thu thuế từ việc xuất khẩu kim cương. Tuy nhiên, vài năm gần đây Hiệp định Kimberley đã tỏ ra không có tiếng nói đủ lớn trước các hoạt động liên quan tới kim cương máu và thậm chí còn dính vào nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau. Vào năm 2011, Global Witness cũng quyết định rời khỏi Hiệp định này.
Một báo cáo khác của Global Witness cũng chỉ ra thực tế nhiều nhân vật quân sự và chính trị chủ chốt ở Zimbabwe đang điều hành việc khai thác các mỏ kim cương tại nước mình bằng bạo lực. Cuối năm 2008, quân đội Zimbabwe gồm hơn 800 người trang bị đầy đủ súng đạn, trực thăng chiếm quyền kiểm soát mỏ, đuổi hàng chục ngàn người khai thác lậu ra khỏi đây và khiến hơn 200 người thiệt mạng. Dư luận cũng ngày càng công phẫn hơn trước những số liệu chưa chính thực về việc quân chính phủ đánh đập dân chúng, sử dụng lao động trẻ em, cưỡng hiếp phụ nữ và buộc họ phải khai thác kim cương.

Global Wintess và tổ chức Ân xá quốc tế (International Amnesty) đã hỗ trợ sản xuất bộ phim mang tên, “Kim cương máu”, như một nỗ lực nâng cao nhận thức về việc kim cương có thể dẫn tới các tranh chấp. Từ bộ phim, các thành viên của những tổ chức này hy vọng người tiêu dùng trước khi quyết định mua bất cứ viên kim cương nào, có thể tự vấn và cân nhắc nhiều hơn. Và ngành công nghiệp kim cương cũng sẽ cương quyết hơn trong việc đảm bảo việc đưa ra thị trường những viên kim cương sạch, không liên quan tới tranh chấp!
Rất nhiều các quốc gia sở hữu kim cương tại châu Phi vẫn đang sống dưới mức nghèo đói và người dân không hề được hưởng lợi từ tài nguyên của đất nước mình. Các cánh đồng kim cương tiếp tục tồn tại trong bất ổn và các tổ chức khủng bố vẫn liên tục trục lợi từ kim cương tại đây. Hiệp định Kimberley đang ngày càng tỏ ra ít tác dụng trước thực trạng hàng trăm ngàn đàn ông, trẻ em tại châu Phi phải khai thác kim cương dưới những điều kiện vô cùng bẩn thỉu và nguy hiểm.
Xã hội ngày càng phát triển, người ta càng quan tâm nhiều hơn tới mục tiêu phát triển bền vững thay vì đặt lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu. Các Tổ chức Phi chính phủ (NGOs) cũng ra đời ngày một nhiều, hoạt động ngày một quyết liệu hơn trên các vấn đề mang tầm quốc tế. Xét cho cùng, kim cương bản chất là một tặng phẩm tuyệt vời của tạo hóa, và nó nên được rao bán tự do với giá trị đích thực, “sạch sẽ” của mình, thay vì đem cái đẹp đi đổi lấy vũ khí và thậm chí cả máu của con người!

Bạn cần biết:
1. Ước tính có khoảng 5 triệu người trên toàn cầu được hưởng các đặc quyền y tế nhờ vào doanh thu của ngành kinh doanh kim cương.
2. Doanh thu từ buôn bán kim cương có thể giúp mỗi đứa trẻ ở Botswane có thể nhận được trợ cấp giáo dục miễn phí cho tới năm 13 tuổi.
3. Ước tính có khoảng 10 triệu người trên toàn cầu được hỗ trợ một cách chính thức hoặc gián tiếp bởi ngành công nghiệp kim cương.
4. Ngành công nghiệp khai thác kim cương chiếm tới 40% doanh thu xuất khẩu hàng năm của Namibia.
5. Khoảng gần 1 triệu người đang làm việc trong ngành kim cương tại Ấn Độ.
Theo Hội đồng Kim cương Thế giới


Theo Trí Thức Trẻ