Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

TỪ VỰNG ĐÁ QUÝ CƠ BẢN TỪ A - Z


Andradite
Khoáng vật silicate-canxi-sắt thuộc nhóm garnet, nó có độ tán sắc rất cao. Loại đá quý quan trọng nhất thuộc nhóm phụ andradite này là garnet demantoid.



Bằng GG (chuyên viên đá quý)
Một người có bằng chuyên viên đá quý (GG) của Viện Ngọc Học Hoa Kỳ (GIA) là đã hoàn tất một chương trình đào tạo nghiêm ngặt theo dạng chứng chỉ của GIA. Chương trình này giúp cho các nhà kim hoàn, nhà ngọc học xác định và phân cấp được nhiều loại kim cương và đá màu. Chuyên viên đá quý GIA thường trở thành thương gia, người định giá và chuyên gia trong ngành kỹ nghệ đá quý và kim hoàn.



Bao thể
Bao thể là các tạp chất nằm bên trong viên đá quý, thí dụ đá quý chứa một dạng vân tay chứa chất lỏng, một số tinh thể rắn… Dù người ta đánh giá về mức độ chứa bao thể (gọi là độ sạch) của kim cương dưới phóng đại 10 lần, còn ở đá màu, người ta chỉ dùng mắt thường để đánh giá, với mỗi loại đá tiêu chuẩn độ sạch có thể khác nhau. Thí dụ, với emerald và tourmaline đỏ là hai loại đá hay chứa nhiều bao thể, nhưng chúng ít ảnh hưởng đến giá trị so với những đá khác.  

 Bao thể ba pha
Là một bao thể nằm bên trong viên đá quý chứa chất rắn, chất lỏng và khí. Thông thường nhìn bao thể giống như một cái túi chứa chất lỏng với một bọt khí và một tinh thể, hai thành phần sau có thể di chuyển qua lại trong chất lỏng. 


Beryl
Là khoáng vật silicat chứa nhôm và berylium. Các loại đá quý từ nhóm beryl gồm emerald, aquamarine, morganite, beryl đỏ, và heliodor còn gọi là beryl vàng.

Cải thiện bằng nhiệt
Nhiều đá quý được tăng vẻ đẹp (màu đẹp hơn, độ trong cao hơn…) là nhờ được nung ở nhiệt độ cao giúp thay đổi hóa trị của các nguyên tố tạo màu. Một số đá quý, đáng kể nhất là corundum (ruby và saphia) được nung ở nhiệt độ rất cao (gần 1.900oC) để cải  thiện vẻ đẹp. Những đá quý khác, như aquamarine được nung ở nhiệt độ khá thấp để khử màu vàng. Kết quả của xử lý nhiệt là ổn định và bền vững dưới các điều kiện bình thường.


Carat
Là đơn vị đo trọng lượng đá quý. Một carat bằng 0,20 gram; một gram bằng 5 carat. Đơn vị carat được đưa ra năm 1907 và sức nặng của nó dựa vào trọng lượng hạt cây carob. Carat được ký hiệu là ct hay cts. Nên nhớ số carat là một số đo về trọng lượng, chứ không phải kích thước hay hàm lượng. Số carat tỷ lệ thuận với tỷ trọng của đá. Hai viên đá cùng thể tích, viên nào có tỷ trọng lớn hơn thì sẽ có số carat lớn hơn.

Cắt mài
Cắt mài liên quan đến tên của kiểu cắt mài mà viên đá quý được tạo ra (như hình hạt dưa, emerald …, cùng với kiểu mài giác như: giác cúc, giác tầng, cabochon…) và cũng liên quan đến độ chính xác của các góc và tỷ lệ của viên đá thành phẩm. Một viên đá cắt mài tốt sẽ đạt sự cân đối, các tỷ lệ giữa các phần cắt mài phù hợp và độ bóng tốt, viên đá sẽ có độ rực sáng và sự tán sắc cao. 
Bên dưới đây là một số hình dạng cắt mài phổ thông:


Chiết suất
Sự khúc xạ là khả năng của vật liệu giúp làm chậm và đổi phương truyền của ánh sáng. Chiết suất (còn gọi là chỉ số khúc xạ) của một vật liệu là tỷ lệ giữa vận tốc ánh sáng truyền trong không khí với vận tốc ánh sáng truyền trong vật liệu ấy. Chiết suất là một đặc điểm của mỗi loại khoáng vật và được dùng để xác định khoáng vật ấy. Thiết bị đo chiết suất gọi là chiết suất kế (hay khúc xạ kế).


Chrysoberyl
Khoáng vật chứa oxit nhôm và berylium. Các loại đá quý của nhóm beryl có biểu hiện đặc tính quang học đặc biệt là đá chrysoberyl mắt mèo (hiệu ứng mắt mèo) và alexandrite (đổi màu theo nguồn sáng khác nhau). Ngoài hai đá kia, loại chrysoberyl trong suốt, màu vàng, mài giác cũng được dùng trong nữ trang.

Corundum
Khoáng vật kết tinh từ oxid nhôm, gồm hai loại đá quý ruby và saphia. Corundum là khoáng vật rất cứng, chỉ thua kim cương. Những corundum xấu thường được dùng làm vật liệu mài mòn. 



Cửa sổ
Vùng nhìn xuyên qua được hay là vùng ánh sáng thoát ra phía dưới làm màu của viên một viên đá trong suốt nhạt hơn, đây là kết quả từ cách cắt mài viên đá.

Đá mắt mèo
Đá quý có hiện ứng quang học đặc biệt gọi là hiệu ứng mắt mèo: một lằn sáng duy nhất quét ngang viên đá, giống như mắt mèo. Nếu chỉ gọi là “đá mắt mèo” thì đó là đá chrysoberyl mắt mèo. Còn nếu như các đá khác cũng có hiệu ứng mắt mèo thì gọi bằng tên đá đó cùng với từ “mắt mèo”, như tourmaline mắt mèo, alexandrite mắt mèo…

Đá quý
Đá quý là một khoáng vật hoặc vật liệu hữu cơ được dùng làm trang sức vì có vẻ đẹp, tính hiếm và bền vững.

Đá quý tổng hợp
Là một đá quý được chế tạo tại phòng thí nghiệm hay nhà máy có cùng các tính chất vật lý, hóa học và quang học như của đá quý trong tự nhiên. Thí dụ, ruby tổng hợp là khoáng ruby nhưng do nhân tạo, không có trong tự nhiên. Đá tổng hợp khác với đá thay thế, là vật liệu giống với đá tự nhiên về dáng vẻ và màu sắc, nhưng khác các tính chất hóa lý và quang học. Không phải mọi đá quý trong tự nhiên đều có thể tổng hợp thành công trong phòng thí nghiệm. Các đá tổng hợp như ruby, saphia, emerald, spinel và thạch anh tím thì phổ biến trên thị trường. Còn kim cương tổng hợp đã được nuôi đầu tiên phục vụ trong công nghiệp điện tử, nhưng chưa phổ biến trên thị trường đá quý. 

Đá thay thế (Đá giả)
Bất cứ vật liệu nào giống một đá tự nhiên thì đều dùng được để thay thế đá quý tự nhiên. Đá thay thế còn gọi là đá giả có thể là đá quý tự nhiên hay vật liệu nhân tạo, thí dụ đá zircon không màu tự nhiên có thể dùng để thay thế kim cương. Đá thay thế do nhân tạo phổ thông nhất là hột Mỹ (còn gọi là cubic zircon tổng hợp), dùng làm giả kim cương; đá spinel tổng hợp với nhiều màu khác nhau dùng thay thế cho nhiều loại đá quý; và các đá thay thế khác như thủy tinh, plastic, đá ghép… 

Đá thô
Là tên thương mại dùng cho các vật liệu đá quý còn ở trạng thái tự nhiên, chưa được cắt mài.

Độ bão hòa
Là cường độ màu, xếp từ yếu đến rất mạnh (rực rỡ).

Độ bền vững
Là khả năng của viên đá chống lại sự cọ sát, nhiệt độ và hóa chất. Kim cương, ruby, saphia là những đá có độ bền vững cao nhất.

Độ chắc
Là khả năng của đá quý chống lại bể và mẻ. 

Độ cứng
Một phương pháp thực hành dùng để so sánh độ cứng tương đối được phát minh bởi nhà khoáng vật học Đức là Friedrich Mohs vào năm 1822. Ông đưa ra một hệ thống gồm 10 khoáng vật phổ thông để tạo các mức độ cứng tương đối và có thể dùng dễ dàng để so sánh. Thang Mohs dựa vào độ cứng kháng lại trầy xước: khoáng vật ở mức trên làm trầy khoáng vật mức dưới. Thang này vẫn được dùng đến nay mặc dù các số trên thang không có ý nghĩa định lượng và các mức thì không đều: thí dụ kim cương cứng hơn corundum 140 lần, nhưng cứng hơn talc đến 124.000 lần. Thang Mohs gồm 10 mức độ cứng từ cao đến thấp như sau: 10- kim cương, 9- corundum (ruby, saphia), 8- topaz, 7- thạch anh, 6- fenpat orthoclase, 5- apatite, 4- fluorite, 3- canxit, 2- thạch cao, 1- talc.
Móng tay của người cứng 2,5; lưỡi dao thép 5,5.

Độ ổn định
Khả năng đá quý chống lại tác dụng của ánh sáng, nhiệt và hóa chất.

Độ rực sáng
Lượng ánh sáng trắng từ bên trong và bên ngoài đá quý quay trở lại mắt. Đá quý càng đẹp khi có độ rực sáng càng cao.

Độ sạch
Sự hiện diện hay vắng mặt các bao thể và dấu vết bên ngoài ở một viên đá quý gọi là độ sạch. Một bao thể thường liên quan đến một đặc điểm thành tạo khi đá quý hình thành bên trong trái đất. Bao thể có thể được tạo ra từ một vật chất bên ngoài, độc lập với thành phần hóa học của đá quý, có thể là một tinh thể nội không thể phát triển được nữa hoặc là các khe nứt nhỏ nằm trong đá quý. Bao thể mang nhiều ý nghĩa: nó có thể là tác nhân gây hư hỏng cho đá như gây bể hoặc nứt; nhưng cũng có thể giúp xác định viên đá và nguồn gốc thành tạo của nó. Độ sạch của đá màu thường được xác định bằng mắt thường, khác với độ sạch của kim cương, được xác định dưới phóng đại 10 lần.

Fenspat
Là một nhóm đá gồm các nhóm phụ có liên hệ gần gũi chứa một số loại đá quý đặc biệt như đá mặt trăng, đá mặt trời, labradorite và amazonite.

Garnet
Garnet là một nhóm khoáng vật gồm 6 nhóm phụ liên hệ gần gũi: almandine, pyrope, grossular, spessartite, andradite và uvarovite. Nhiều loại đá quý garnet là một hỗn hợp của từ hai thành phần trở lên của các nhóm phụ này. Thị trường đặt tên cho những loại garnet phổ thông, như rhodolite màu đỏ phớt tím đến hồng, malaya màu cam phớt đỏ. Những garnet phổ thông khác gồm pyrope màu đỏ sẫm (còn có tên garnet bohemian), almandine màu đỏ phớt nâu rẻ tiền, andradite màu lục đẹp (còn gọi demantoid), grossular màu lục gọi là tsavorite và spessartite màu cam là garnet mandarin.

GIA
Viện Ngọc Học Hoa Kỳ (GIA) thành lập năm 1931, là một đơn vị phi lợi nhuận, đã giúp hơn hàng trăm ngàn người yêu thích đá quý có nghề nghiệp trong ngành ngọc học, thiết kế nữ trang, sản xuất và kinh doanh. Học trực tiếp tại 14 cơ sở đào tạo trên toàn thế giới hoặc học từ xa, sinh viên GIA được cấp các giấy chứng nhận làm cho hầu hết họ được tôn trọng và trở thành những nhà kim hoàn thành công trên thế giới.
Tuy nhiên GIA không chỉ là một trường học, nó còn được thế giới biết đến như là một trung tâm thông tin và các phương tiện nghiên cứu. Phòng xét nghiệm của GIA phục vụ như một thành phành phần thứ ba độc lập, mà các dịch vụ phân cấp và giám định do nó cung cấp được giới công nghiệp đá quý và nữ trang tin tưởng bậc nhất.
GIA phát triển hệ thống phân cấp chất lượng kim cương gọi tắt là 4C. Và bây giờ GIA đang cung cấp các kiến thức ngọc học đến với mọi người thông qua các giáo trình trực tuyến miễn phí. Các thông tin trực tuyến cũng là nội dung mà các sinh viên ở GIA cũng đang học, sẽ giúp cho nhiều người không đến được GIA có các kiến thức cần thiết. 

Grossular
Là một khoáng vật silicat nhôm và canxi thuộc nhóm garnet, gồm các loại đá quý như garnet tsavorite và garnet hessonite.

Hiệu ứng ánh trăng
Hiện ứng đặc biệt này thấy được ở nhóm đá fenspat, đó là một màn sương sáng dịu màu xanh da trời nổi lung linh trên bề mặt lồi của đá dạng cabochon. Đá fenspat có hiệu ứng này chủ yếu là moonstone (đá mặt trăng). Đá có tên gọi này chỉ vì trông chúng giống ánh trăng chứ thực sự không phải là đá từ mặt trăng. Hiệu ứng này là do các cấu trúc tăng trưởng dạng lớp của đá gây ra sự nhiễu xạ ánh sáng. Đá moonstone có tên khoa học là adularia, thuộc nhóm phụ fenspat orthoclase. Adularia lấy từ tên núi Adular ở Thụy Sĩ, là nguồn đầu tiên của đá này.

Hiệu ứng đặc biệt
Là những hiệu ứng quang học đặc biệt như dạng mắt mèo, sao, ánh trăng hay lóe màu sặc sỡ làm cho đá trở nên bắt mắt.

Hiệu ứng lóe màu sặc sỡ
Từ này dùng để chỉ sự lóe sáng các màu cầu vồng khi viên đá được lắc qua lắc lại. Đá thể hiện hiệu ứng này rõ nhất là opal.

Hiệu ứng sao
Một hiện ứng quang học đặc biệt có những dãy cắt chéo của ánh sáng tạo nên hình ngôi sao ở trên vòm đá quý cắt mài dạng cabochon. Ruby và saphia có sao 6 cánh. Những đá khác có sao 4 cánh hay 8 cánh. Từ kỹ thuật dùng cho hiện tượng này là hiệu ứng sao.

Họ (đá quý)
Họ đá quý là một danh từ chung bao gồm các nhóm và nhóm phụ đá quý. Một nhóm phụ là một chủng loại dựa vào thành phần hóa học và cấu trúc. Thí dụ, nhóm phụ corundum, gồm 2 loại là ruby (có màu đỏ) và saphia (có màu khác đỏ), được hình thành từ những phân tử kết hợp từ nhôm và oxigen. Một nhóm đá quý gồm một vài nhóm phụ có liên hệ gần gũi. Thí dụ, nhóm garnet gồm một số nhóm phụ, chúng giống nhau về mặt cấu trúc nhưng hơi khác một chút về thành phần hóa học.

Khoáng vật
Là một vật chất vô cơ trong tự nhiên, có thành phần hóa học đặc trưng. Hầu hết chúng cũng có cấu trúc tinh thể đặc biệt nữa.

Kính lúp
Kính lúp cầm tay, đã được hiệu chỉnh màu và độ lệch hình ảnh, phóng đại 10 lần, được các nhà ngọc học và kim hoàn dùng để phân cấp độ sạch kim cương và kiểm tra chi tiết các đá quý khác hoặc nữ trang.
Lấp đầy khe nứt
Các khe nứt lộ ra bề mặt của viên đá quý có thể được xử lý để khó thấy hơn bằng cách lấp đầy chúng với vật liệu có cùng chiết suất với đá. Trong phần lớn trường hợp, chất lấp đầy bị biến đổi theo thời gian và có lẽ cần được thay thế bằng vật liệu mới hơn. Đá quý được xử lý lấp đầy nhiều nhất là emerald. Vì hầu hết emerald đều có nhiều khe nứt lộ bề mặt, nên chúng thường được nhúng vào dầu, nhựa, nhựa epoxy trong bình chân không để các vật liệu này chui vào lấp đầy khe nứt, làm cho các khe nứt khó thấy hơn. Khó xác định chất lấp đầy khi chúng nằm trong các khe nứt với một lượng rất ít. Dầu và nhựa tự nhiên dễ dàng bị tẩy ra khỏi khe nứt bằng cồn hay axit, còn nhựa epoxy thì khó hơn vì chúng trở nên cứng sau khi lấp đầy khe nứt.

Loại đá
Là một thành phần thuộc nhóm phụ đá quý, được phân biệt nhờ vào màu sắc, độ trong suốt và hiệu ứng đặc biệt.

Mặt giác
Một mặt phẳng nhỏ bóng láng trên một viên đá quý thành phẩm. Mỗi dạng mài giác dựa theo một kiểu riêng và đúng số lượng mặt giác. Tạo mặt giác là một quá trình trong cắt mài đá quý. 
Màu sắc
Màu sắc của đá quý gồm 3 yếu tố : màu gốc, sắc và độ bão hòa. Đánh giá màu sắc dựa vào 3 yếu tố ấy.

Máy rửa siêu âm
Một thiết bị dùng để rửa sạch nữ trang bằng các sóng có tần số âm thanh cao trong một dung dịch. Không nên dùng máy này để rửa một số đá màu như emerald, opal, peridot, tanzanite và hầu hết các đá bị chắn sáng.

Nguồn gốc
Liên quan đến nơi mà đá quý được khai thác. Thông thường người ta hay dùng tên quốc gia để nói về nguồn gốc đá quý thay cho tên địa phương có mỏ đá ấy. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các nhà phân phối vẫn phải phân biệt từng mỏ riêng biệt trong cùng một nước do địa phương được nêu tên có đá đẹp hơn mỏ khác và giá sẽ đắt hơn một chút. Thí dụ như saphia ở Kashmir là loại saphia có chất lượng cao nhất, khi đá được đưa ra thị trường thường có giấy chứng nhận nguồn gốc để được bán với giá cao. Dù vậy sự xác định về nguồn gốc này không phải luôn luôn đúng.  

Nhóm phụ
Một chủng loại đá quý dựa vào thành phần hóa học và cấu trúc. Các đá quý được phân chia thành nhóm, nhóm phụ và loại. Một nhóm phụ đá quý gồm những đá có cùng thành phần hóa học và cấu trúc. Mỗi nhóm phụ gồm các loại đá quý, chúng phân biệt với nhau bằng màu sắc hay hiện tượng.  

Phát huỳnh quang
Là tính chất biến đổi từ năng lượng bức xạ thành ánh sáng thấy được. Thí dụ, khi bị chiếu tia cực tím không nhìn thấy được thì một số kim cương phát ra ánh sáng màu xanh. Nhiều đá quý có đặc tính này và nhờ đó giúp ích trong việc xác định của chúng. 

Rutin
Là một khoáng vật của oxid titan thường hiện diện ở dạng bao thể của đá quý. Đôi khi chúng là những tinh thể hình kim nhỏ gọi là lụa hoặc tạo hiệu ứng sao 6 cánh trong corundum. Những kim rutin màu vàng kim tạo nên một hiệu ứng trang trí trong các tinh thể thạch anh. Những thạch anh cắt mài thành phẩm có các kim này gọi là thạch anh tia rutin. 
Sắc
Mức độ nhạt hay sẫm (sáng hay tối) của màu.
Sự xử lý – Sự cải thiện
Từ xử lý được dùng bởi các cơ quan quản lý chất lượng trong thương mại, còn từ cải thiện thì được ưa dùng trong giới kim hoàn. Hai từ này có nội dung giống nhau, đó là đề cập đến các quá trình do con người điều khiển nhằm làm thay đổi dáng vẻ, độ vững bền hay giá trị đá quý. Ở các nước phát triển, cơ quan quản trị thương mại đều quy định các nhà buôn phải công bố cho người mua biết những xử lý nào không bền, cần chăm sóc đặc biệt hoặc làm thay đổi lớn về giá trị viên đá.

Tính đa sắc
Là khả năng của những tinh thể của một số khoáng vật điều khiển ánh sáng một cách khác nhau tùy theo phương truyền, làm cho đá quý biểu hiện màu khác nhau theo những phương khác nhau của tinh thể. Đá quý nhị sắc như tourmaline, saphia… có hai màu khác nhau và đá tam sắc như iolite, andalusite và tanzanite có 3 màu theo các phương khác nhau.

Tính đối xứng
Tính đối xứng dùng để mô tả các vật có hai nửa đối xứng nhau qua gương. Tính chất này được dùng trong bàn luận về chất lượng cắt mài để mô tả mức độ chính xác trong việc tạo hình và sắp xếp các mặt giác sao cho đối xứng lẫn nhau hết sức hoàn hảo, giúp cho ánh sáng từ đá quay về mắt tối đa.

Tính hiếm
Đối với đá quý, tính hiếm là một thang đo phụ thuộc vào các yếu tố khác nữa: một số đá này hiếm hơn những đá khác. Nhưng nếu chỉ là hiếm thì chưa chắc là giúp cho một viên đá quý hiếm có giá trị hơn: thí dụ, garnet tsavorite thì hiếm hơn emrerald, nhưng từ xưa đến giờ nhu cầu về emerald vẫn lớn hơn và giá cao hơn.

Tính phổ thông
Tính phổ thông là nhu cầu về một loại đá quý, nó ảnh hưởng đến giá trị của đá. Nhiều đá quý thuộc loại hiếm, nhưng rất ít người biết đến nên không có tính phổ thông nghĩa là không có nhu cầu, do đó giá trị tương đối thấp. Đôi khi việc tiếp thị các đá quý lạ một cách tích cực, có thể làm tăng tính phổ thông, làm bùng nổ giá trị. Tanzanite là một trường hợp như thế, lúc đầu ít ai biết nhưng nhờ được tiếp thị tốt, nó đã trở nên phổ biến.

Trong mờ
Một vật liệu chỉ cho phép một số ánh sáng (chứ không phải là tất cả) đi ngang qua nó: nghĩa là không thể nhìn xuyên qua nó. Vật liệu trong suốt có thể nhìn xuyên qua được vì hầu hết ánh sáng đi qua được. Vật liệu trong mờ thì chặn đứng hay làm phân tán một số ánh sáng.

Vẻ đẹp
Đó là vẻ hấp dẫn, lôi cuốn nhìn thấy được ở đá quý, có đuợc là do sự phối hợp giữa màu sắc, chất lượng cắt mài và vẻ bề mặt. Sự trong suốt cũng thường làm tăng vẻ đẹp của đá quý.

Xử lý bức xạ
Đó là xử lý làm thay đổi màu đá quý nhờ chiếu tia điện từ hay bắn phá bằng các hạt nhỏ hơn nguyên tử. Thực tế, tất cả topaz có màu xanh đều do bức xạ: topaz không màu bị bức xạ, sau đó được nung nhiệt để tạo màu xanh. Phương pháp bức xạ và nguyên tố vết khác nhau tạo ra những màu xử lý khác nhau. Màu xanh sẫm nhất ở topaz gọi là xanh Luân Đôn được tạo ra do đá bị bức xạ nơtron trong lò phản ứng hạt nhân. Màu xanh nhạt hơn được tạo ra do bức xạ điện tử trong máy gia tốc tuyến tính. Màu xanh của topaz thì bền và không cần chăm sóc đặc biệt. Xử lý bức xạ cũng làm đậm màu hồng đến đỏ ở tourmaline. Một số xử lý bức xạ không bền như: màu xanh sẫm ở đá beryl maxixe bị phai nhanh khi đá tiếp xúc với ánh sáng mạnh.

Xử lý khuếch tán
Phương pháp xử lý đá quý dùng nhiệt độ rất cao để đưa nguyên tố tạo màu từ nguồn bên ngoài vào bên trong viên đá. Thí dụ như thêm nguyên tố berilium vào trong corundum để tạo nên các màu vàng, cam, cam-hồng và đỏ phớt cam. Titan cũng là nguyên tố được đưa vào trong corundum, tạo nên màu xanh. Lớp tiêm nhập của của tố vào đá quý thường rất mỏng. Một số nước yêu cầu người bán phải công bố xử lý mỗi khi bán hàng có xử lý này. Việc tái cắt mài hay tái đánh bóng viên đá bị xử lý khuếch tán có thể làm cho đá bị mất màu do mất lớp màu tiêm nhập vào.   

Zoisite
Là một nhóm phụ đá quý thuộc về nhóm khoáng epidote. Loại đá quan trọng nhất của nhóm phụ này là tanzanite.




Tổng hợp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét