Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

CHẾ TÁC KIM HOÀN THỜI ANGKOR - CHĂM PA - PHÙ NAM - ÓC EO





Sau đợt khai quật đầu tiên năm 1944 tại cánh đồng Óc Eo dưới chân núi Ba Thê (An Giang), Louis Malleret đã phát hiện ở đó nghề chế tác kim hoàn và đúc tiền bằng bạc. Các công trình khảo cổ về sau cho thấy di vật vàng Óc Eo xuất hiện rộng khắp tại hàng chục di chỉ văn hóa từ vùng cao Đông Nam Bộ như Nam Cát Tiên đến các trũng thấp Tây Nam Bộ và đồng bằng vây quanh rặng núi Thất Sơn.

Những dấu hiệu đó cho thấy vàng được chế tác liên tục trong suốt thời kỳ văn hóa Óc Eo từ thế kỷ thứ 1 đến thứ 7. Số lượng hiện vật bằng vàng rất lớn với nhiều chủng loại khác nhau cùng với sự xuất hiện nhiều khuôn đúc nữ trang cho phép chúng ta kết luận vàng Óc Eo không chỉ được mang tới từ các thương thuyền trên con đường buôn bán hương liệu mà còn được khai thác chế tác bằng nguyên liệu tại chỗ. 

Trong hội thảo về “Văn hóa Óc Eo” do Cục Di sản văn hóa tổ chức cuối năm 2009 tại An Giang, các nhà khảo cứu đã cho thấy tầm mức hết sức quan trọng của nhóm di vật bằng vàng. Nhưng trong các công trình nghiên cứu tỉ mỉ đó vẫn chưa có phần đề cập đến nguồn nguyên liệu chế tác các kim loại quý. Trên thực tế, hàng ngàn tiêu bản vàng mà các nhà khảo cổ thu thập được thông qua các đợt khai quật giới hạn chỉ là một phần rất nhỏ so với số lượng và loại hình vàng mà cư dân nơi các khu di tích thu nhặt được từ trước năm 1944 đến nay. Chính các mẫu đồ cổ bán về Sài Gòn đã tạo nên sự chú ý hướng dẫn các nhà nghiên cứu người Pháp tìm đến Óc Eo. 

Sau năm 1975 việc đào bới tìm vàng ở các di tích trở nên sôi động, tập trung nhiều nhất trong hai đợt 1978-1981 khi nước rút của trận lụt năm 1978 làm nhiều mảnh vàng lộ ra trên mặt đất trong khu Óc Eo và giai đoạn 1985-1989 khi có thông tin về việc đoàn khảo cổ tìm thấy 317 mảnh vàng lá trong số 331 di vật nơi 7 ngôi mộ khai quật giữa vùng đầm lầy Đá Nổi thuộc xã Phú Hòa, phía nam thành phố Long Xuyên, An Giang. Nhờ đó nhiều di chỉ văn hóa mới cũng được phát hiện rải rác trên khắp đồng bằng Nam Bộ từ miền Tây đến miền Đông và cả ở TP.HCM. Nhiều địa điểm bị đập phá, xới tung đến từng centimet. Cũng trong thời gian này, nhiều người đã lần theo dấu vết từ các khu di tích để đào đãi lấy vàng trong các lớp cát nặng màu đen. 

 Dựa vào niên đại hoạt động của từng trung tâm văn hóa cổ tại đây, chúng ta có thể nhận ra rằng các tiêu bản vàng trang sức xuất hiện rất sớm trong khoảng thế kỷ thứ 1 cùng với các bộ trang sức bằng hạt thủy tinh. Trong khi hạt thủy tinh thường bị vứt lại giữa cánh đồng thì các chiếc nhẫn, khuyên tai hai mấu và các vòng vàng được những kẻ đào bới quan tâm nhất. Các tiêu bản vàng làm thành vật thờ như linga xuất hiện trễ hơn, vào khoảng thế kỷ thứ 3. Cuối cùng là các mảnh vàng dát mỏng hình vuông, tròn, chữ nhật còn giữ nguyên miếng hay đã cắt nhỏ thành hình hoa, lá, động vật tìm thấy giữa lòng các tháp gạch ở Nam Cát Tiên (Lâm Đồng), Rạch Đông (Đồng Nai), Gò Hàng, Gò Xoài (Long An), Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Thành (Tiền Giang), Óc Eo, Đá Nổi (An Giang), Nền Chúa (Kiên Giang) và Lưu Cừ (Trà Vinh)... 


Việc các lá vàng dát mỏng miết khắc tinh tế hay in dập khéo léo hình ảnh các vị thần, các tư thế sinh hoạt của con người hay hình các loài thú, hoa lá, cây cỏ cho thấy kỹ thuật luyện vàng và chế tác mỗi ngày một thêm tinh xảo. Người Phù Nam không dùng đồng vàng làm bản vị, trái lại họ đúc các đồng bạc hình tròn có đường kính trên dưới 3cm, phía trước dập hình mặt trời đang mọc với 6 tia nắng chiếu lên trời và 6 tia còn lại chiếu xuống mặt đất hoặc mặt nước, phía sau in hình ngôi đền hay mũi con tàu đi dưới các vầng trăng sao. Nhưng trong một thư tịch cổ kể chuyện hai nhà du hành Chu Ứng và Khang Thái đến kinh đô Phù Nam, tức Óc Eo ngày nay, trong khoảng những năm 280 có nói đến việc các chủ thuyền được trả công bằng vàng nếu họ đến nơi đúng hẹn. Điều này gợi ý cho thấy các lá vàng dát mỏng có thể đã mang giá trị tiền tệ và tập tục đặt các lá vàng vào huyệt mộ hỏa táng có thể là để người chết mang về cõi âm? 

Mặc dầu có rất nhiều khuôn đúc đã được phát hiện cùng với những cục gạch cống (gạch cửa lò) thấm vàng đã được tìm thấy, những cố gắng tìm hiểu nguyên liệu chế tác vàng tại chỗ cho đến nay vẫn còn đơn lẻ. Lần đầu tiên tác giả bài viết tiếp cận cánh đồng Óc Eo vào năm 1969 khi tham gia khảo sát đới nâng Long Xuyên - Quảng Đức, bao gồm cả rặng Thất Sơn và các núi cô lập nằm giữa đồng bằng và qua nghiên cứu nhận thấy hiện tượng xâm thực đã phóng thích các vảy vàng nguyên sinh rất mỏng ra khỏi các mạch thạch anh và tích tụ trong các doi cát ven bờ biển cổ. Các phân tích bổ sung về những tập hợp cát nặng và hạt vàng nguyên sinh trong các phân tầng văn hóa cổ được trình bày sau này tại “Dữ kiện mới liên quan đến Văn hóa Óc Eo tại An Giang” đăng trong Tạp chí Khoa học Xã hội số 18 (1993), trang 82-89. 

Trong khi chứng tỏ vàng nguyên sinh sử dụng trong nền văn hóa Óc Eo xuất xứ từ nguồn cát nặng tức sa khoáng, các bảng phân tích từ các mẫu vật đất cát thu thập tại chỗ cũng cho chúng ta thấy sa khoáng vàng tích tụ chủ yếu thành các lớp mỏng ở nơi giao cắt giữa các ngọn suối núi chảy qua vùng quặng với các doi bùn cát bờ biển tạo nên bởi đầu ngọn sóng. Những lá vàng mỏng nhất gọi là vảy nổi có thể trôi đi rất xa hàng chục cây số và chỉ có thể lắng xuống đáy khi môi trường nước thay đổi từ axít của các sông suối sang kiềm của biển. Rất ít trong số những hạt vàng ở đó có kích thước lớn hay dạng khối tròn, trái lại chúng là những vảy dẹt cực mỏng có màu vàng ánh kim sắc xanh, mà đa phần đã được sóng biển cuốn tròn thành hình ống điếu ruột rỗng hay hình móc câu. Chính những dao động lên xuống của mực nước biển trong suốt thời kỳ văn hóa Óc Eo đã làm cho các khoáng sàng trên bờ biển cổ lộ ra và cư dân Óc Eo lấy đó làm nguyên liệu nấu luyện rồi hình thành nên nghề chế tác kim hoàn.


















































Sưu tầm và tổng hợp



BÍ MẬT VỀ CÔNG NGHỆ ĐÚC TRANG SỨC CỦA NGƯỜI CHURU



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét