Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

ĐẠI GIA MÊ SƯU TẬP ĐÁ QUÝ


Cách đây 20 năm, từ vị trí phó giám đốc của công ty lên đến 600 người, ông Hùng (53 tuổi) nghỉ việc để xuôi ngược tìm đá. Có những viên được trả cả tỷ đồng nhưng ông không bán.
Ông Châu Chí Hùng (53 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang sở hữu bộ sưu tập khổng lồ với gần 3.000 chủng loại đá và khoáng thạch. Đây là thành quả của 20 năm ông lặn lội khắp Việt Nam tìm kiếm.
Đại gia này dành hết không gian nhà, sân vườn rộng gần 2.000 m2 làm nơi trưng bày đá quý. Những viên đá đủ kích thước, màu sắc, hình dáng... được ông để trang trọng trên những kệ gỗ. "Trừ Hoàng Sa, Trường Sa là chưa đi chứ tỉnh thành nào tôi cũng đã đặt chân đến trèo đèo, lội suối tìm đá. Mọi người gọi tôi với cái tên 'Hùng khơi khơi' ý nói... hơi khùng khùng", ông nói.
Ông Hùng tốt nghiệp ngành Xây dựng ĐH Bách khoa TP HCM, từng được công ty xây dựng với quy mô 600 người trọng dụng, đề bạt lên phó giám đốc. Tuy vậy, làm việc chưa được bao lâu thì ông viết đơn xin nghỉ việc để theo đuổi niềm đam mê đá. “Năm 1994, tôi ra miền Trung để chuẩn bị xây dựng công trình. Trong một lần khảo sát địa bàn thì vấp phải hòn đá cuội, khiến ngón chân chảy máu. Tôi thấy cục đá toát lên vẻ đẹp nên mang về trưng bày. Từ đó, tôi yêu đá và quyết định nghỉ việc để lao vào cuộc sưu tầm đầy gian khổ", ông chia sẻ.
Để có thu nhập phục vụ sưu tầm đá, ông mở quán ăn. Bao nhiêu lợi nhuận, người đàn ông này đều đổ vào đá, khi thiếu thì vay mượn bạn bè. Chỉ cần biết ở đâu có đá quý, đẹp là lên đường. Trong ảnh là hòn đá quý chalcedony nặng đến 6 tấn, được mang về từ Đắk Nông năm 2002. Đây là viên đá nặng, lớn nhất trong bộ sưu tập.
Có nhiều mẫu đá để tự nhiên đã đẹp và quý nhưng khi qua khâu chế tác thì đẹp hơn như viên đá này. Vì vậy, ông mở hẳn một xưởng rộng 800 m2 để chế tác đá. 
Những viên đá ông sở hữu không chỉ quý mà còn độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Viên đá ông Hùng cầm trên tay nhìn rất bình thường, không có gì đặc biệt...
... Nhưng khi để vào bóng tối thì nó phát ra ánh sáng màu xanh ngọc bích rất đẹp. Ông Hùng cho biết trong một lần thăm xưởng đá vào buổi tối thì tình cờ thấy hòn đá phát sáng. Theo dõi nhiều tháng thì cường độ phát sáng của nó vẫn không đổi. Ông tìm hiểu nhiều tài liệu nhưng vẫn chưa biết nguyên nhân đá phát ra ánh sáng. "Trên thế giới, loại đá này rất hiếm và ở Việt Nam tôi chưa hề nghe nói về trường hợp này", ông nói. Có người thuyết phục ông bán viên đá 800 triệu đồng nhưng ông không đồng ý.
Viên đá hóa thạch trầm tích vẫn còn nguyên hình dáng xương cá có niên đại 100 - 180 triệu năm, được tìm thấy năm 2004 ở khu vực sông Sêrêpốk. Có người đã trả giá đến 1,2 tỷ.
Đây là viên Aragonit, một loại đá quý hiếm trên thế giới. "Đợt ấy, nghe tin ở Lào Cai có loại đá này nên tôi chạy xe từ Đồng Nai ra, vượt hàng ngàn km chỉ để kiếm mỗi viên này", vị cựu phó giám đốc cho biết.
Đây là viên đá thạch anh có cấu tạo đặc biệt. Ông Hùng quan niệm thú chơi đá là một nghệ thuật, mỗi viên có những giá trị và kỉ niệm khác nhau nên không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa. Vì thế, dù có nhiều người trả giá cao nhưng ông không bán. Tuy nhiên nếu gặp người thực sự hiểu thì ông sẵn sàng tặng đá quý.
Một mẫu ốc hoá thạch tại nhà ông Hùng.
Còn đây là mẫu gỗ hoá thạch có niên đại hàng triệu năm. Ở tuổi 53, ông cho biết vẫn tiếp tục sắp xếp thời gian lên đường tìm kiếm đá cho thỏa chí đam mê. 
Sở hữu niềm đam mê kết hợp cùng bàn tay và trí óc tài hoa nên nghệ nhân Hùng đã cho ra đời những tác phẩm đá có giá trị kinh tế cao. Ông cho biết, nhiều tác phẩm đá sau khi hoàn thành đã có người đặt mua với giá trên 200 triệu đồng. “Nhiều tác phẩm tôi bán để lấy tiền trang trải chi phí cho những chuyến đi tầm đá. Nhưng cũng có những tác phẩm có người ngỏ lời mua gần 1 tỷ đồng tôi không bán. Tôi là người đam mê sưu tầm, đam mê nghệ thuật đá cảnh nên mỗi khi bán tác phẩm của mình là cả một sự day dứt” – Châu Chí Hùng thổ lộ.
Không chỉ tầm đá để thỏa mãn thú chơi nghệ thuật, nghệ nhân Châu Chí Hùng còn tầm đá để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, sau 20 năm lặn lội tầm đá, nghệ nhân Hùng đã tạo dựng được bộ sưu tập với trên 1.000 mẫu vật đá các loại. Trong số đó, có những viên đá quý như hồng ngọc (rupy), sapphire, ngọc lục bảo, ngọc hải lam hoặc những thân cây, vỏ ốc hóa thạch có niên đại từ hàng triệu năm. Mỗi mẫu đá tầm được, ông đều ghi chép đầy đủ các thông số khoa học như nơi phát hiện, thời gian phát hiện, tên gọi, thành phần cấu tạo, màu sắc, độ cứng, hệ tinh thể… để phục vụ nghiên cứu. Ông cho biết: “Ngoài đam mê đá, tôi là người nghiên cứu khoa học về khoáng vật, khoáng chất. Do vậy, mỗi mẫu thạch (đá) thu được, tôi đều lập danh mục cụ thể và viết tên gọi từng loại bằng cả tiếng Anh và tiếng Latin. Sau đó, tôi bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu, phân tích các thành phần cấu thành và niên đại của đá”.
Hàng ngàn trang về danh mục, nghiên cứu đá của nghệ nhân Hùng đã trở thành tài liệu tham khảo, nghiên cứu về khoáng vật cho sinh viên, giảng viên các trường đại học trong nước. Hiện tại ông đang cộng tác với Trường Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM, tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu. Ông Hùng khẳng định: “Tài liệu nghiên cứu về khoáng vật trong nước không nhiều, mẫu vật nghiên cứu tại các trường đại học ít nên sinh viên khó phát huy tư duy khoa học”. Nói về bộ sưu tập và các tài liệu nghiên cứu của mình, ông Châu Chí Hùng tâm sự: “Hiện tại tôi mới chỉ xuất bản quyển “Đá cảnh Việt Nam” để làm tài liệu tham khảo cho giới chơi đá cảnh nghệ thuật. Còn về phương diện tài liệu nghiên cứu khoa học, tôi đang cố gắng sưu tầm thêm mẫu vật, hệ thống thêm tài liệu nghiên cứu để một ngày nào đó sẽ xuất bản sách. Sắp tới, tôi cũng mở rộng thêm gian trưng bày mẫu vật để đón sinh viên, nghiên cứu viên trên khắp cả nước về tham khảo, nghiên cứu”. 
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét