Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

MỸ HƯỞNG LỢI NHIỀU NHẤT KHI GIÁ VÀNG GIẢM


Tăng cường mua vàng để đa dạng hóa danh mục dự trữ quốc gia nhưng Nga đã tính toán sai khi giá vàng giảm mạnh, do đó thiệt hại là đương nhiên.


Mỹ thiệt một vì vàng, lợi mười nhờ thuế lạm phát

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến đầu tháng 8/2015, giá trị vàng dự trữ của Nga chỉ còn khoảng 44,5 tỷ USD, so với 47 tỷ USD giữa tháng 7. Trong khi đó, Trung Quốc giảm từ 61 tỷ USD xuống 58 tỷ USD. Đây là hai quốc gia mua vào nhiều nhất trong 6 năm qua. Dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng gần 60% từ năm 2009, còn tại Nga là gấp đôi.

TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng, các quốc gia trên bị thiệt hại vì vàng là điều dễ hiểu. Theo đó, giai đoạn Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác tăng dự trữ vàng mạnh nhất là sau năm 2008, khi đồng USD yếu đi rất nhiều. Tuy nhiên, do chiến lược đẩy mạnh dự trữ vàng dài hạn, các quốc gia này có thể đã bỏ qua giai đoạn giá vàng đạt đỉnh (vào năm 2011) không bán ra, đồng thời nhận định sai về khả năng hồi phục dài hạn của nền kinh tế Mỹ nên tiếp tục mua vàng vào dẫn đến những thiệt hại lớn khi giá vàng xuống dốc và kinh tế Mỹ hồi phục.

Gia vang sut giam: My
Diễn biến giá vàng thế giới trong 30 ngày qua. Ảnh: Kitco
"Việc Nga tăng cường dự trữ vàng trong thời gian qua còn liên quan đến yếu tố chính trị. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Nga bị Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, do đó việc Nga dự trữ vàng, một loại hàng hóa đặc biệt có thể sử dụng bất cứ nơi đâu, bất cứ quốc gia nào cũng thúc đẩy Nga tiếp tục gia tăng mua vàng.

Ngay cả Trung Quốc, trong giai đoạn 2000-2007, khi thặng dư thương mại của nước này lớn, giá vàng còn thấp, nhiều học giả Trung Quốc kiến nghị Trung Quốc nên mua vàng. Tương tự, ở giai đoạn này, Nga chưa chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, thu được nhiều đô la dầu nhờ xuất siêu mặt hàng này, dự trữ ngoại hối tăng lên.

Cả Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã rút ra được bài học từ các cuộc khủng hoảng của Mỹ vào giai đoạn 1971-1979 hay năm 2008 khiến Washington phải phá giá đồng USD, gây thiệt hại lớn cho các nước này. Bởi thế, các quốc gia trên không dám mạo hiểm chỉ "ôm" USD, thay vào đó họ đa dạng hóa danh mục dự trữ quốc gia, chuyển sang dự trữ vàng, đó là một lựa chọn đúng.


Tuy nhiên, Nga và các nước dự trữ vàng chưa lường được biến động giảm mạnh của giá vàng khi USD hồi phục nên việc bị thiệt hại là đương nhiên. Đặc biệt, nếu Nga dự trữ vàng mạnh vào thời điểm sau năm 2009 đầu năm 2010, giá vàng chênh lệch lớn thì thua lỗ rất nặng nề", ông Bình phân tích.

Đối với Mỹ, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, Mỹ bao giờ cũng là nước dự trữ vàng lớn nhất để khẳng định sức mạnh của đồng USD. Hiện đồng USD đang là đồng tiền mạnh nhất thế giới và được dự trữ nhiều nhất. Khi giá vàng giảm, kho vàng của Mỹ cũng bị thiệt hại nhưng theo TS Nguyễn Thanh Bình, Mỹ được lợi rất nhiều từ thuế lạm phát.

"Mỹ là nước hưởng lợi từ thuế lạm phát trên thế giới nhiều nhất. Ví dụ, nếu chúng ta giữ 1 đồng USD trong khi mỗi năm USD mất giá 2% do lạm phát thì mỗi USD ở hải ngoại Mỹ được 2% của tất cả các nước giữ đồng USD. Mỹ có thể thiệt hại vì kho vàng nhưng lợi hẳn mười phần từ thuế lạm phát. Bởi thế, tính tổng thể, Mỹ là quốc gia được hưởng lợi khi họ dùng chính sách đồng USD yếu trong nhiều năm để hồi phục kinh tế".


Giá vàng phản ánh 'sức khỏe' kinh tế Mỹ

Là người nghiên cứu về sự biến động của giá vàng, TS Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong lịch sử giá vàng có 2 lần biến động lớn gắn liền với cuộc khủng hoảng của Mỹ. Đầu tiên là vào những năm 1971-1979, giá vàng biến động tăng khoảng 6 lần do Mỹ khủng hoảng ngân sách khi tiến hành cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Thời điểm đó Mỹ bỏ chế độ bản vị vàng khiến đồng USD bị phá giá, đẩy giá vàng tăng mạnh. Sau đó giá vàng ổn định và biến động với biên độ thấp trong gần 30 năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2003 giá vàng tăng trở lại khi USD yếu đi do Mỹ mở rộng cung tiền và khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008.

"Nhìn lại lịch sử giá vàng có thể thấy giá vàng tăng đồng nghĩa với đồng USD bị yếu đi. Giá vàng lên đỉnh vào năm 2011 (hơn 1.920 USD/oz) rồi từ đó tiếp tục đổ dốc. Bởi vậy, có thể dự báo rằng, hàng thập kỷ nữa giá vàng mới có thể vượt lên mức trên 2.000 USD/ounce và những cú sốc giá vàng chỉ xảy ra khi kinh tế Mỹ bị yếu đi.

Giá vàng bao giờ cũng gắn với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ. Trong khoảng 5 năm gần đây, nền kinh tế Mỹ có xu hướng phục hồi và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang dự kiến tăng lãi suất cho vay. Nếu Mỹ nâng lãi suất lên đồng nghĩa với việc USD sẽ lên giá, giá vàng và các đồng tiền khác có xu hướng giảm. Các đồng tiền khác nếu không muốn giảm giá thì sẽ như Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ", TS Nguyễn Thanh Bình phân tích.

Lý giải nguyên nhân giá vàng có xu hướng phục hồi trở lại trong những ngày qua, TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng: "Giá vàng khi xuyên qua được ngưỡng hỗ trợ 1.200 USD/ounce thì có xu hướng hồi phục. Hơn nữa, động thái phá giá đồng nhân dân tệ trong 3 ngày liên tiếp ở mức kỷ lục hơn 4,6% của Trung Quốc vừa qua đã kéo giá vàng lên mạnh bởi Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai thế giới, là nước dự trữ vàng và có mức tiêu thụ vàng lớn trên thế giới.

Ở Việt Nam, thị trường vàng cũng lập tức tăng mạnh. Tuy nhiên, những người mua vàng cần phải lưu ý rằng, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và thông tin đó được công bố thì nó đã trở thành thông tin cũ. Nếu người Việt Nam bây giờ đổ xô đi mua vàng thì khả năng thất bại cao vì đó là tâm lý đám đông và thị trường đã điều chỉnh giá ngay khi công bố thông tin".

Vị chuyên gia này phán đoán, giá vàng thế giới sẽ bị kháng cự rất mạnh ở ngưỡng 1.200 USD/ounce nên việc kỳ vọng tăng giá vàng trên ngưỡng này trong ngắn hạn là rất khó.


Theo Đất Việt





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét