69,1 tấn là số vàng tiêu thụ trong 2014 của VN. Đây là con số báo cáo về nhu cầu tiêu thụ vàng 2014 Hội đồng Vàng Thế giới vừa công bố.
Chuyên gia bác số liệu
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong số 69,1 tấn vàng được nhập vào Việt Nam có 56,4 tấn vàng miếng, còn vàng nữ trang là 12,7 tấn.
Tuy nhiên ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry cho rằng con số này rất huyễn hoặc.
Theo ông Trọng, một tháng, nhu cầu nguyên liệu của mỗi doanh nghiệp nữ trang lớn vào khoảng 200 kg, và vì số lượng doanh nghiệp nữ trang lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay nên thực chất lượng vàng dùng để chế tác nữ trang không nhiều. Còn ở các tiệm vàng việc chế tác chủ yếu là mua lại sản phẩm đã bán ra trước đó, rồi nấu lại, không mua vàng nguyên liệu nhiều.
“Con số 12,7 tấn vàng nữ trang tiêu thụ trong năm 2014 có thể là hợp lý, nếu tính cả sản phẩm nữ trang vàng đã chế tác ở Trung Quốc nhập lậu về. Vì thị trường nữ trang năm qua rất trầm lắng. Số còn lại lên đến 56,4 tấn vàng được xem là vàng đầu tư, lại được thống kê riêng biệt với nữ trang thì không hiểu về Việt Nam rồi, lượng vàng này đã trở thành gì”.
Tuy vậy, theo một thành viên Hội đồng Vàng Thế giới, cho dù không nhập chính thức thì khả năng vàng được nhập lậu qua biên giới Việt Nam là vẫn có. “Cho dù nhập chính thức hay không thì nhiều năm gần đây, mỗi năm Việt Nam vẫn tiêu thụ trên 50 tấn vàng”, vị này nói thêm.
|
Giới chuyên môn không đồng tình với con số gần 70 tấn vàng được tiêu thụ trong năm 2014 tại Việt Nam |
Đường đi của vàng
Chỉ ra lối đi của vàng, ông Trọng cho biết chỉ có 3 con đường chính thức.
Đầu tiên là làm nguyên liệu cho vàng nữ trang, nhẫn tròn trơn, nhưng như đã thống kê, vàng nữ trang đã nằm trong con số 12,7 tấn nói trên.
Hai là làm nguyên liệu để chế tác vàng mỹ nghệ, thường làm lớp áo bên ngoài sản phẩm nên cũng không cần quá nhiều vàng cho hoạt động này.
Ba là phục vụ công nghiệp sản xuất hàng công nghệ, nhưng lượng vàng cần cho hoạt động này cũng rất ít.
"Còn lối đi lớn nhất của vàng lậu trong nhiều năm trước là để dập thành vàng miếng bán ra thị trường giờ đã bị chặn.
Với nhu cầu nguyên liệu cho vàng nữ trang cùng lắm chỉ bằng con số nói trên, vàng miếng mới dập lại cũng không có thì khả năng sai sót của con số này rất cao”, ông Trọng tiếp tục khẳng định.
Một đại diện của SJC cũng cho biết ông ngạc nhiên về con số thống kê nói trên. Vì chuyện vàng lậu thì xưa nay vẫn có, ở miền Nam chủ yếu nhập qua biên giới các tỉnh như An Giang, Kiên Giang... do chênh lệch giá trong nước và thế giới, nhưng với mãi lực hiện tại thì không có lý do gì để Việt Nam nhập đến 69,1 tấn vàng trong năm 2014.
Không chỉ có vậy, suốt thời gian năm 2013 trở về trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 74 phiên đấu thầu vàng được tổ chức với gần 80 tấn vàng được cung ứng cho nhu cầu thị trường.
Không chỉ có vậy việc tổ chức quản lý sản xuất vàng miếng cũng đã được sắp xếp lại từ năm 2012. Cụ thể, NHNN đã ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng. Theo đó, thay vì có nhiều thương hiệu vàng miếng như trước, toàn thị trường chỉ có một thương hiệu duy nhất do NHNN ủy quyền cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC gia công.
Hạn mức, khối lượng, thời điểm sản xuất và nguồn vàng nguyên liệu cũng do NHNN quyết định, trên cơ sở mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và cung cầu vàng miếng trên thi trường.
Như vậy nhu cầu và khả năng tiêu thụ, cung ứng gần như được thu về một mối nên giới chuyên môn cho rằng không thể có chuyện lượng tiêu thụ vàng quá lớn như Hội đồng Vàng thế giới đã công bố.
Mặc dù vậy vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, băn khoăn vì không biết vì sao lại có con số đó. Và nếu đó là số đúng vậy vàng vào Việt Nam rồi đi đâu?
Theo Đất Việt