Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ ĐÁ QUÝ

Khái niệm

Có rất nhiều viên đá quý và đá bán quý đã được xử lý (nhiều người còn gọi là phép “lên tuổi đá”) bằng nhiều phương pháp khác nhau để cải thiện màu sắc và tính trong suốt của chúng. Ngày nay, một số phương pháp được chấp nhận rộng rãi trong việc buôn bán các viên đá, trong khi một số các phương pháp khác không được chấp nhận. Các phương pháp được chấp nhận là các phương pháp sẽ làm thay đổi màu sắc của viên đá vĩnh viễn, các phương pháp không thỏa mãn điều này luôn không được chấp nhận.

Những nhà buôn đá có đạo đức và uy tín luôn luôn cung cấp đầy đủ các hồ sơ của viên đá kể cả các phương pháp đã áp dụng để xử lý viên đá. Quan điểm của chúng tôi là những thông tin chi tiết của mỗi viên đá cần phải được cung cấp cho khách hàng để họ biết chính xác những gì mà họ đã bỏ tiền ra mua. Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi cung cấp các thông tin để bạn có thể tìm hiểu các phương pháp xử lý phổ biến, cũng như các đổi mới gần đây. Bạn hãy nghĩ rằng rất nhiều loại đá quý, bán quý có mầu sắc đều đã được xử lý, điều này là thực tế hiển nhiên và nó hoàn toàn hợp pháp nếu các phép xử lý áp dụng được công bố đầy đủ trong hồ sơ của viên đá.

Xử lý qua nhiệt (heat treatment)

Vài thế kỷ trước, một số người đã tình cờ phát hiện ra những tác dụng kỳ diệu khi cho những viên đá qua nhiệt. Ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như nhiệt độ cháy của than, có thể làm cho một viên đá nhìn nhạt nhẽo thay đổi mầu sắc một cách ngoạn mục. Nếu kỹ thuật này không được may mắn phát hiện ra, thị trường sẽ có rất ít các viên đá có màu sắc tốt mà giá cả hợp lý.


Xử lý nhiệt được xem là một quá trình tăng cường tự nhiên bởi nó là sự tiếp nối của quá trình đã xảy ra trong vỏ trái đất khi mà viên đá ban đầu được hình thành. Khi xử lý, viên đá được làm nóng đến nhiệt độ rất cao (khoảng 1600 độ C) dẫn đến có thể loại bỏ được các bao thể, nguyên tố hóa học khác, các tạp chất làm cải tạo và thay đổi màu sắc của viên đá. Các thay đổi màu sắc ở đây có thể là một trong hai kết quả đá có màu sáng hơn, tối hơn hay trông hấp dẫn hơn hoặc tạo ra một màu sắc khác. Một ví dụ của việc xử lý nhiệt là quá trình phân rã các bao thể dạng sợi rutil (rutile silk) trong đá ngọc bích xanh da trời (blue sapphires) làm cho chất lượng viên đá được cải thiện cả hai yếu tố mầu sắc và độ trong sáng. Xử lý nhiệt viên đá thuộc loại xử lý vĩnh viễn và quá trình này không thể đảo ngược.

Một ví dụ khác là đá hồng ngọc (ruby), loại đá này thường được xử lý nhiệt. Chỉ có những viên đá hồng ngọc có giá trị nhất và đắt tiền nhất sở hữu mầu sắc tuyệt vời nhất mới không qua xử lý nhiệt. Quá trình xử lý nhiệt cho hồng ngọc được được thực hiện bằng cách làm nóng viên đá gần như tới điểm nóng chảy của nó, cho phép các phân tử oxit nhôm trong đá thay đổi, tạo ra một cấu trúc tinh thể mới. Điều này cũng làm cho các nguyên tử crôm có trong đá kết hợp với các nguyên tử khác, tạo ra mầu đỏ tốt hơn. Tương tự như vầy, kỹ thuật này có thể áp dụng cho một loại ngọc bích có tên gọi gouda sapphires có mầu trắng sữa chuyển sang mầu xanh, là một trong những loại ngọc bích chất lượng và có nhiều trên thị trường hiện nay.

Hiệu quả của việc xử lý nhiệt cho viên đá bạn đã thấy rõ như ở trên, nó làm tăng giá trị và vẻ đẹp cuốn hút cho viên đá. Vậy câu hỏi đặt ra đối với người sở hữu và sưu tầm đá là có thể phát hiện được các viên đá đã qua xử lý nhiệt hay chưa? Câu trả lời là có thể, có những xử lý rất dễ dàng phát hiện và có những xử lý rất khó để phát hiện.
Phát hiện ra những viên đá đã xử lý nhiệt, xử lý khuếch tán hay chưa là điều hoàn toàn có thể bởi vì nguyên lý của phép xử lý này là sửa đổi các bao thể (chất lẫn) tự nhiên. Sự phá hủy các túi khí, túi lỏng hoặc các bao thể chứa tạp chất là đầu mối để phát hiện xử lý nhiệt. Đối với các loại đá có chứa các chấm rutil (rutile), các chấm này có thể sẽ bị khuếch tán sau xử lý. Trên đá hồng ngọc (rubi) các bao thể có thể xuất hiện sau xử lý là thủy tinh trong. Đó là vì hợp chất borax-based đã được sử dụng trong quá trình xử lý nhiệt. Một chuyên gia về ngọc học có thể kiểm tra các cấu trúc bên trong của viên đá và xem xét các bao thể là dấu hiệu của quá trình xử lý nhiệt. Việc xem xét này sẽ rất khó khăn để xác định xem viên đá đã qua xử lý nhiệt hay chưa nếu như các bao thể nhỏ (rất nhỏ) đã tan chảy trong quá trình xử lý nhiệt. Tuy nhiên sẽ rất dễ dàng xác định dấu vết các bao thể này nếu sử dụng kính hiển vi.

Vài thế kỷ trước, những người ngồi trước bếp than hồng dùng các ống thổi để nung những viên đá là những kỹ thuật viên đầu tiên của kỹ thuật này. Ngày nay khoa học và công nghệ đã phát triển rất tinh vi và phức tạp, người ta đã sử dụng những lò nhiệt luyện lớn được điều khiển máy tính. Các phương pháp cổ xưa đã không còn nữa nhưng thành quả thu được vẫn là như nhau, biến những viên đá xấu xí trở thành một cái gì đó đầy mầu sắc. Điều này đã cho phép tất cả chúng ta có thêm nhiều cơ hội để sở hữu những viên đá lấp lánh.Thạch anh tím (amethyst), thạch anh vàng (citrine), thạch anh vàng tím (ametrine), ngọc xanh nước biển (aquamarine), tourmaline (đá nhiệt điện), topaz (hoàng ngọc), light green tourmaline, sapphire, ruby, tanzanite, and blue zircon là những loại đá thường được xử lý tăng hiệu quả bằng phương pháp qua nhiệt. 

Dưới đây là danh sách đầy đủ của các loại đá thường được xử lý tăng hiệu quả bằng qua nhiệt:

     Thạch anh tím (amethyst) – làm sáng màu và sẽ thay đổi màu sắc của thạch anh tím nhạt để trở nên “vàng” sẽ được bán như thạch anh vàng.
     Ngọc xanh nước biển (aquamarine) – Loại bỏ các chấm xanh thường có phổ biến trong loại đá này để tạo ra đá có mầu xanh hơn và sâu hơn.
     Kunzite – để cải thiện màu sắc.
     Morganite – xử lý nhiệt thay đổi màu sắc từ màu da cam để hơi hồng.
     Ruby – xử lý nhiệt sẽ cải thiện màu sắc. Cũng sẽ loại bỏ vết bẩn sắt, bao thể vùi và lấp đầy các vết nứt nhỏ bé.
     Sapphire – để làm sáng hoặc tăng cường màu sắc và để nâng cao tính thống nhất của màu sắc.
     Tanzanite – để tạo ra màu xanh nhiều hơn mong muốn.
     Topaz – khi được sử dụng với chiếu xạ, xử lý nhiệt sẽ tạo ra sắc thái của màu xanh. Cũng thường thực hiện để tạo ra topaz màu hồng.
     Tourmaline – để làm sáng màu tối hơn của tourmaline. Điều này thường được thực hiện với các loại màu xanh lá cây và màu xanh.
     Zircon – để tạo ra đá màu đỏ, màu xanh.

Xử lý khuếch tán (Diffusion Treatment)

Một trong số các phương pháp xử lý đá nên biết và cần phải thận trọng với nó là phương pháp xử lý khuếch tán (có một số người sử dụng thuận ngữ “nhuộm đá” để nói về phương pháp xử lý này). Có một số tranh luận xung quanh phương pháp xử lý này trong giới nghiên cứu về ngọc học. Quan điểm của chúng tôi là có thể chấp nhận được loại xử lý này nếu điều đó được công khai trong hồ sơ của viên đá.

Xử lý khuếch tán là việc sử dụng một số hóa chất trên bề mặt của viên đá kết hợp với nhiệt độ cao nhằm thay đổi màu sắc của bề mặt viên đá. Như vậy chỉ có bề mặt của viên đá được thay đổi màu sắc, vì vậy nếu thái lát viên đá thành hai nửa, ta sẽ thấy phía bên trong và bên ngoài của viên đá có màu sắc khác nhau, thường màu phía bên trong nhạt hơn hoặc là màu không có giá trị. Vấn đề ở phương pháp này là chỉ có hiệu quả xử lý ở bề mặt chỉ sâu khoảng 0,5mm. Nếu trường hợp viên đá bị hư hỏng hoặc gia công lại, mầu sắc nguyên bản không như ý ở phía bên trong sẽ lộ ra. Hãy thận trọng đối với các loại đá xử lý bằng phương pháp này. Hiện nay phương pháp xử lý này được áp dụng để thay đổi màu sắc cho các loại đá ruby, topaz xanh, sapphire xanh. Thông thường các viên đá ban đầu có màu sắc không có giá trị hoặc gần như không màu sau khi được xử lý màu sắc của bề mặt viên đá sẽ gần như hoàn hảo về mầu sắc. Các nhà buôn có uy tín luôn công khai cho bạn biết viên đá đã được thay đổi màu sắc hay chưa. Thậm chí có nhiều đại lý, cửa hàng từ chối giao dịch những viên đá loại này.

Tuy nhiên, đối với star sappire (đá sappire ngôi sao) phương pháp xử lý khuếch tán được chấp nhận rộng rãi hơn. Phương pháp này thường được sử dụng trên đá sappire ngôi sao để làm tăng hiệu ứng asterism (hiệu ứng ngôi sao trong sapphire và ruby). Quá trình khuếch tán có thể đạt được chiều sâu 0.5mm vào viên đá, sự khuếch tán của các phân tử cần thiết trên bề mặt viên đá sẽ tạo hiệu ứng ngôi sao cho viên đá. Độ cứng của viên đá sẽ không bị ảnh hưởng sau quá trình khuếch tán do đó viên đá sẽ giữ nguyên các tính chất vật lý ban đầu của nó. Nếu đánh bóng lại hoặc mài cắt lại một viên đá đã xử lý bằng phương pháp này, hiệu ứng bề mặt của nó sẽ biến mất, tuy nhiên đối với đá sapphire ngôi sao sau khi chế tác rất ít khi phải đánh bóng hoặc mài lại bởi độ cứng của nó khiến cho gần như không thể bị trầy xước.

Xử lý lấp đầy đứt gãy (Fracture Filled)

Các vết nứt nhỏ hoặc đứt gãy trong một viên đá quý có thể làm gián đoạn dòng chảy của tia sáng qua đá, tạo ra màu trắng hoặc điểm “chết” trong màu sắc của viên đá. Đôi khi các vết nứt, đứt gãy nếu chúng ở bề mặt của viên đá sẽ được lấp đầy bằng các vật liệu cho phép ánh sáng đi xuyên qua. Nhiều hóa chất khác nhau được sử dụng cho liệu pháp này, thông thường như: dầu, sáp, thủy tinh chì, keo epoxy, nhựa borax. Các khoang lấp đầy này rất nhỏ và rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường nếu không có sự trợ giúp của các dụng cụ quang học. Các loại đá hay được sử dụng phương pháp xử lý này là emerald (ngọc lục bảo), aquamarine (lục ngọc), ruby, sapphire, peridot và turquoise (lam ngọc).
Xử lý lấp đầy các vết đứt gãy của đá ruby (hồng ngọc) với thủy tinh chì trong suốt là một sáng kiến mới mẻ gần đây, nó được bắt đầu khoảng năm 2004. Đá ruby có xuất xứ từ Madagascar có màu sắc rất tốt nhưng bề mặt thường là không tốt bởi các vết nứt gãy ở bề mặt. Với xử lý lấp đầy các vết nứt gãy này bằng nhiệt kết hợp với thủy tinh chì đã làm các viên đá này trở nên hoàn hảo hơn. Thành phần chính của đá ruby là ô xit nhôm (corundum) có chiết suất rất giống với thủy tinh chì, cho phép ánh sáng đi qua viên đá và làm cải thiện rất rõ rệt màu sắc của viên đá. Những viên đá ruby tìm được có kích thước lớn và màu sắc hoàn hảo là rất hiếm, do đó với kỹ thuật xử lý này thị trường sẽ có thêm nhiều các viên đá ruby đẹp có kích thước hớn hơn. Tất nhiên điều này được chấp nhận nếu việc xử lý là công khai và giá cả của các viên đá này phù hợp.

Viện nghiên cứu châu Á về ngọc học (Asian Institute of Gemology – AIGS) đã kiểm tra các viên đá ruby được xử lý bằng phương pháp này và nhận thấy chúng bền hơn so với emerald (ngọc lục bảo) xử lý điền đầy đầy với dầu hoặc keo. AIGS khuyến cáo không nên sử dụng ngọn lửa đèn khò của thợ kim hoàn để kiểm tra xử lý này bởi như vậy chúng sẽ bị nóng quá mức. Tuy nhiên họ cũng cho biết không tìm thấy tác động tiêu cực nào từ các chất tẩy rửa hoặc thiết bị siêu âm. Họ cũng tư vấn rằng không nên sử dụng axít Flohiđric trên các đá quý và bất kỳ thao tác mài cắt lại hoặc hoặc đánh bóng lại cũng phải được thực hiện cẩn thận.

Xử lý Berili (Beryllium Treatment)

Xử lý berili là một bổ sung mới gần đây trong các kỹ thuật xử lý đá quý. Xử lý berili là một hình thức xử lý nhiệt chủ yếu sử dụng trên sapphire. Trong quá trình làm nóng viên đá, người ta đã cho thêm nguyên tố berili để berili khuếch tán vào sâu trong viên đá. Berili là một nguyên tố rất quen thuộc và hay gặp trong nhiều loại đá quý, nó là thành phần thiết yếu trong các loại đá emerald (ngọc lục bảo),beryl, aquamarine và chrysoberyl. Sau khi sapphire được làm nóng với berili, tông mầu xanh của viên đá sẽ bị giảm đi đáng kể. Chính vì vậy đá sapphire mầu vàng sáng và màu cam có thể thu được sau khi xử lý từ loại đá màu vàng yếu hoặc xanh yếu. Một số mầu sắc tuyệt đẹp đã được tạo ra bằng cách xử lý theo phương pháp berili.
Phương pháp này đôi khi được gọi là khuếch tán mạng tinh thể. Tuy nhiên, không giống hình thức cũ của xử lý khuếch tán, phép xử lý này khiển nguyên tố berili khuếch tán vào sâu bên trong viên đá, khiến màu sắc của viên đá được thay đổi một cách hoàn hảo, kể cả bên trong. Điều này làm cho viên đá hoàn toàn có thể cho phép được gia công lại nếu thấy cần thiết, đây là điểm khác biệt cơ bản so với phương pháp xử lý khuếch tán truyền thống.

Phương pháp xử lý berili khi mới được áp dụng và chưa được tiết lộ, nó đã làm rung chuyển ngành công nghiệp đá quý thế giới, thậm chí đã có một vụ bê bối về phương pháp xử lý này của Thái Lan (Thai Beryllium Scandal). Sau một số tranh cãi ban đầu, giờ đây xử lý berili đã được chấp nhận rộng rãi trong kinh doanh đá quý, như là một phương pháp trong xử lý đá. Tuy nhiên điều quan trọng là các viên đá nếu được xử lý bằng phương pháp này cần phải được công khai. Các thuật ngữ phổ biến được dùng để chỉ phương pháp xử lý này là “Xử lý berili” (Berylium Treatment) hoặc viết tắt là Be (Be là ký hiệu hóa học của nguyên tố Berili).

Xử lý chiếu xạ (Irradiation Treatment)

Hầu hết gần như tất cả các loại hoàng ngọc (topaz) mầu xanh được bán ở thị trường hiện nay đều là sản phẩm của phương pháp xử lý chiếu xạ.

Hoàng ngọc màu xanh da trời thực sự là rất hiếm trong tự nhiên, và thường có xu hướng xanh rất nhạt. Các viên hoàng ngọc có màu xanh đáng yêu mà chúng ta thấy ngày nay được tạo ra bởi việc làm trong suốt các viên hoàng ngọc bằng liều lượng lớn của các hạt electron (điện tử) từ một máy gia tốc tuyến tính hoặc bằng cách phóng ra các hạt neutron xuất hiện trong một phản ứng hạt nhân.

Màu sắc trong hoàng ngọc được tạo bởi ​​các khiếm khuyết trong cấu trúc tinh thể nhiều hơn là từ các nguyên tố hóa học có trong viên đá. Vì vậy, dưới tác dụng của các tia bức xạ, hoàng ngọc đã thay đổi màu sắc theo nguyên tắc thay đổi cách thức mà cấu trúc tinh thể hấp thụ tần số ánh sáng.

Tùy theo thời gian và loại chiếu xạ và các kiểu quá trình làm nóng sử dụng sau chiếu xạ, các kết quả màu sắc khác nhau thu được có các tên gọi như xanh da trời, xanh Thụy Sĩ, xanh Luân Đôn. Cũng có các biến thể màu sắc khác đã được tạo ra và và có tên thương mại của chúng như “xanh tích điện” (electric blue), “xanh neon” (neon blue). Mầu xanh London là loại khan hiếm và đắt nhất vì nó đòi hỏi quá trình tiếp xúc neutron (liệu pháp xử lý tốn kém nhất) và thời gian xử lý dài nhất.

Mặc dù quá trình xử lý xạ trị các viên đá là để viên đá tiếp xúc với phóng xạ, nhưng thời gian tiếp xúc của viên đá là rất ngắn nên chắc chắn viên đá sẽ không bị nhiễm phóng xạ. Chính phủ Hoa Kỳ và một số quốc gia khác có quy định nghiêm ngặt đối với các phòng thí nghiệm xử lý chiếu xạ đá quý. Họ kiểm tra quy trình thực hiện, mức độ an toàn của sản phẩm, đảm bảo răng tất cả các viên đá quý là an toàn phóng xạ khi đến tay người sử dụng.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét