Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

ĐẶC TÍNH QUANG HỌC CỦA ĐÁ QUÝ



Đá quý có sức cuốn hút và gợi cảm thu phục con người không phải phụ thuộc duy nhất hình dáng, kiểu chế tác mà bởi các hiện tượng ánh sáng được bộc lộ ra bên ngoài làm tăng giá trị của chúng. Những nguyên nhân của các hiện tượng quang học này là do sự phản xạ, khúc xạ và giao thoa ánh sáng trong viên đá tạo thành. Sự kỳ diệu đó thực sự đã biến những viên đá quý trở thành những viên đá có hồn đầy quyến rũ.

Ánh lửa   

“Ánh lửa” là một trong những hiện tượng quang học đặc biệt làm cho con người rất chú ý. Hiện tượng tạo nên là do những tia sáng trắng đi qua mặt trên của viên đá chế tác theo kiểu facet bị khúc xạ và tách ra những phổ hỗn hợp có các bước sóng khác nhau rồi phản xạ một lần hoặc hoàn toàn (phụ thuộc kỹ thuật chế tác) từ các mặt giác của phần đáy viên đá và đi tới mắt người quan sát trông loé lên giống như những ánh lửa. Hiện tượng “ánh lửa” làm cho viên đá trở nên rực rỡ và hấp dẫn hơn, hiện tượng này đối với các loại đá quý khác nhau sẽ khác nhau, nó phụ thuộc vào đặc tính tán sắc của mỗi loại, do vậy những viên nào có tỷ số tán sắc cao thì “ánh lửa” càng lớn.  



Đá quý nhân tạo dùng để làm đá giả kim cương thường có độ tán sắc lớn nên hiện tượng “ánh lửa” không thua kém kim cương, đôi khi còn cao hơn kim cương, như titanate của Zr 0,190, titanate của Li- 0,087 hoặc GGG 0,045 hay CubicZirconia- 0,060. Trong khi đó độ tán sắc của kim cương chỉ bằng 0,044, do vậy bằng phương pháp so sánh “ánh lửa” người ta cũng có thể phân biệt được đâu là đá kim cương và đâu là kim cương tự nhiên. 

Độ láng bóng  

Hiện tượng “láng bóng” là hiện tượng phản xạ ánh lửa từ những mặt giác của phần nóc (crow) của những viên đá chế tác kiểu facet, bao gồm cả mặt bàn tạo thành. Độ “láng bóng” được xác định bằng hệ số phản xạ và chùm ánh sáng tới . Hiện tượng này phụ thuộc vào kỹ thuật đánh bóng bề mặt viên đá, độ bóng càng cao thì độ láng bóng càng lớn. Đối với những viên đá mềm, xốp, độ cứng thấp sẽ có độ bóng không cao thì có thể ngâm dầu hoặc vecli để tạo nên độ “láng bóng” tốt hơn. 



Độ chói  

“Độ chói”là mức độ ánh sáng cảm nhận được ở trên bề mặt viên đá do quá trình phản xạ kép ở bên trong ngược với các phần giác mặt đáy (Pavillon) của viên đá mà đi tới mắt người quan sát. Như vậy sự chế tác không thích hợp sẽ dẫn đến trường hợp phản xạ kép kém, khi đó ánh sáng có thể chui ra khỏi phần đáy hoặc phản xạ xiên làm bề mặt viên đá tối xẩm hoặc quá sáng (hiện tượng đáy nông hoặc quá sâu).  


Đối với kim cương để dễ nhận được “độ chói” cực đại người ta thường tiến hành chế tác theo kiểu Blillant có 57- 58 mặt giác, còn những viên đá màu thì được chế tác theo các hình dạng khác nhau không theo một quy tắc nhất định để nhằm có được một trọng lượng lớn nhất có thể. 

Sự lấp lánh 

“Sự lấp lánh” là hiện tượng quang học khi ta xê dịch viên đá chế tác kiểu facet, nó càng mạnh lên nếu số mặt giác càng lớn và sự xê dịch càng nhiều. Như vậy, nguyên nhân chính của “sự lấp lánh” là do tính phản xạ ánh sáng ở bên trên bề mặt viên đá mà có. Nếu khi chuyển động thì hướng của những tia phản xạ sẽ thay đổi và tạo ra “sự lấp lánh”. Tính chất này cũng liên quan rất lớn đến độ bóng bề mặt của một chế tác, độ bóng càng cao thì “sự lấp lánh” càng lớn. 

Hiện tượng Chatoyance hay hiệu ứng mắt mèo   

Đây là hiệu ứng được tạo nên bởi sự phản xạ ánh sáng từ một tập hợp các sợi các que hoặc các rãnh tạp chất cực nhỏ được sắp xếp song song ở bên trong tinh thể. Biểu tượng này thấy rõ chỉ khi viên đá được mài cong (cacbonic) mà đáy của nó song song cùng với hướng của các tạp chất. Hiện tượng Chatoyance hay hiệu ứng mắt mèo thấy rõ nhất ở đá Chrysoberil nên ta thường gọi Chrysoberil là đá mắt mèo. Ngoài ra còn thấy ở các loại đá khác cũng những hiện tượng tương tự, nên khi gọi thì cần gọi tên riêng như thạch anh mắt hổ, thạch anh mắt mèo hay thạch anh mắt chim ưng…

 



Hiệu ứng sao 

“Hiệu ứng sao” là hiện tượng phản xạ ánh sáng từ các tập hợp bao thể Rutil hình kim được sắp xếp dọc theo trục tinh thể tạo thành, các dải sáng phản xạ trên bề mặt viên đá sẽ cắt nhau tại một số điểm giống như hình ngôi sao, số lượng các dải sáng và góc cắt nhau hoàn toàn phụ thuộc vào tính đối xứng của tinh thể. Trong trường hợp các bao thể hình kim không phát triển đầy đủ thì sẽ tạo ra hình sao cụt hoặc hình cung và đôi khi cũng là một chùm tia sáng. Nếu viên đá với hình sao đẹp được chế tác tốt (chế tác theo kiểu cacbonchon) khi có hai hoặc nhiều nguồn sáng mạnh đồng thời phủ lên viên đá thì có khả năng nhìn thấy nhiều sao, tâm của chúng không tách xa nhau. Ruby và saphia với hình sao sáu cánh là những viên đá quý rất có giá trị. Ngoài ra người ta còn gặp những viên đá có hình sao 4 cánh như Diopist, Granat hay Spinel, thạch anh hồng… 


Hiện tượng ngũ sắc  

Đây là biểu tượng màu sắc giao thoa của những tia phản xạ từ bề mặt các lớp mỏng tinh thể tạo nên, mang ánh sáng màu cầu vồng rất gợi cảm. Hiện tượng ngũ sắc có thể dễ dàng nhận thấy ở đá opal, khi ánh sáng phản xạ từ những tinh thể hình quả cầu cực nhỏ được xếp lớp chật xít sẽ giao thoa và tạo nên ánh ngũ sắc. 



Hiện tượng abradorescence  

 Xuất phát từ loại đá Labradorite có dạng cấu trúc xếp lớp mỏng mang ánh kim cùng với các màu xanh lam, xanh lục, nâu, đỏ… Đây chính la tên gọi của hiện tượng này, nguyên nhân của hiệu ứng đỏ là do sự giao thoa ánh sáng trong viên đá được mài cong từ các lớp song song có thành phần khác nhau tạo nên. 



Hiện tượng Adularisation hoặc hiện tượng Opalescence 




Hiện tượng này có thể gặp ở mặt đá Bastic hoặc đá Enstatie, ánh sáng được phản xạ sẽ có màu trắng sữa hoặc trắng xanh đều do sự giao thoa ánh sáng từ lớp bao thể mỏng hoặc sự phản xạ và tán xạ các tia lam, lục của các hạt S02 trong hiện tượng opalescence mà có (viên đá chế tác theo kiểu cacbonchon).

Đá quý đúng như tên gọi mà con người đã ban tặng, nó quý và có thể có giá trị hơn vàng, bạch kim cũng như nhiều kim loại hiếm khác không phải chỉ bởi tính chất hiếm hoi, độ bền vững mà còn do các hiện tượng quang học đã làm cho những viên đá quý trở nên huyền bí, kỳ diệu và rất có giá trị.


Theo GIA news




Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

CÁC LỖI THƯỜNG GẶP KHI MUA KIM CƯƠNG


Nhẫn kim cương hồng

Thông thường, khi quý khách muốn mua kim cương thì thường chọn những cửa hiệu quen thuộc để mua, ngay cả khi quý khách mua hàng trên mạng. Quý khách thường quan tâm đến các thông số khác nhau của viên kim cương như: kích thước, trọng lượng, hình dáng. Trong trường hợp quý khách mua kim cương từ các cửa hàng tại địa phương thì nên lưu ý những điểm sau:

Sự lầm lẫn về lớp cắt và trọng lượng:

Điểm đầu tiên đó mà sự gian lận về chất lượng của lớp cắt. Lớp cắt là một điểm rất khó để phân biệt so với màu sắc và độ tinh khiết của viên kim cương do đó quý khách thường bỏ qua điểm này, các lỗi thường gặp là:
  • Quý khách không biết viên kim cương mình đang quan tâm nặng bao nhiêu carat? Với chất lượng như thế thì giá thị trường hiện tại là bao nhiêu một carat? Cách tính thế nào? Vì vậy, quý khách nên đề nghị cửa hàng cung cấp đầy đủ thông tin về trọng lượng và cách tính tiền viên kim cương mà mình đang xem xét. Kim cương trên thị trường thế giới thường hay căn cứ vào bảng giá Rapaport, nếu quý khách mua được kim cương với giá rẻ hơn bảng giá Rapaport 30% trở lên thì xin chúc mừng nhé! Dĩ nhiên là phải xác định đúng được thang màu sắc, độ tinh khiết (độ sạch) và trọng lượng rồi.
Kim cương được cân theo carat
  • Các cửa hàng chỉ đưa cho quý khách xem hai hay ba viên với các lớp cắt khác nhau và cố gắng thuyết phục quý khách mua một trong số chúng.Trong khi đó quý khách hoàn toàn có thể chọn được viên kim cương tốt nhất ưng ý mình nếu yêu cầu họ đưa ra toàn bộ số kim cương mà họ có. Đây là cách đơn giản nhưng tốt nhất để quý khách có thể mua được một viên kim cương vừa ý tại một cửa hàng nhất định.
  • Mua một viên kim cương cắt quá sâu, một viên kim cương được cắt quá sâu thường nặng hơn viên kim cương cắt nông. Quý khách có thể mua phải một viên kim cương 1.00 carat trông chẳng khác gì một viên kim cương 0.90 carat được cắt nông do nó bị cắt quá sâu.
  • Những viên kim cương có lớp cắt hoàn hảo có thể đắt hơn nhiều so với những viên kim cương có lớp cắt tồi hơn. Do đó những viên kim cương có lớp cắt tồi thường rẻ hơn, ít bị tồn kho hơn và bán được nhiều hơn. Vì vậy người bán thường nhập loại kim cương này.
Đánh giá độ cắt mài kim cương 

Sự lầm lẫn về màu sắc và độ tinh khiết (độ sạch):


Trong khi kiểm định kim cương cho phép sai số một bậc, ví dụ nếu quý khách mua một viên kim cương có màu là G và độ tinh khiết là VS2 nhưng sau khi đi kiểm định lại thì nó chỉ là màu H và độ tinh khiết là SI1 thì quý khách cũng không có quyền kiện cửa hàng bán cho quý khách. Điều này dẫn đến sự gian lận khi cửa hàng nơi quý khách mua có thể nói với người kiểm định cố tình lợi dụng luật để làm sai lệch một viên kim cương màu G lên thành màu F.
Hộp mẫu để so màu kim cương

Một vấn đề nữa là quý khách không thể nào nhận ra được màu sắc và độ tinh khiết của viên kim cương nếu nó đã được đặt trong ổ. Lỗi của viên kim cương có thể bị che bởi trấu ổ, màu sắc có thể bị che lấp bởi sự phản chiếu của chính. Quý khách không nên mua một viên kim cương trên 2000 USD là không xem nó khi chưa được đưa vào ổ để quý khách có thể tận mắt nhìn thấy nó. Không một nhà bán lẻ, đại lý hay nhà bán buôn nào mua một viên kim cương có giá trị cao khi nó đã được đưa vào ổ, do đó bạn không nên làm việc này.

Lỗi của kim cương có thể bị dấu trong các chấu hay ổ hột

Màu sắc của viên kim cương là rất khó phân biệt. GIA đã đưa ra các chuẩn màu theo các tiêu chuẩn của họ. Quý khách không nên chấp nhận màu sắc do các nhà bán lẻ đưa ra.

Thước đo màu sắc của Kim Cương

Nếu quý khách nghi ngờ về màu sắc của viên kim cương mình định mua, hãy hỏi người bán hàng để bạn có thể so sánh màu của viên kim cương với thước đo màu sắc kim cương của cửa hàng. Bằng cách so sánh này, quý khách có thể biết được viên kim cương đó có màu đúng với bảng màu của GIA hay không.


Nếu không có thước đo hoặc một phương pháp khách quan nào khác. Quý khách hãy cẩn thận với việc so sánh màu sắc của viên kim cương. Thông thường một thợ Kim hoàn có thể bán cho khách hàng một viên kim cương có màu sắc cao hơn màu thật của nó một bậc.
Ví dụ, quý khách sẽ được xem hai viên kim cương, một viên có màu là G một viên có màu là H, quý khách sẽ nhìn thấy rõ sự khác biệt của hai viên Kim Cương này và yêu cầu cho xem các viên khác có màu sắc cao hơn. Tuy nhiên phương pháp này có những vấn đề sau:
  • Quý khách không biết cả hai viên kim cương đó có đúng màu theo chuẩn GIA hay không, do đó khi thực hiện bất kỳ sự so sánh nào nên đòi hỏi giấy chứng nhận kim cương trước.
  • Quý khách có thể so sánh hai viên kim cương với hình dáng khác nhau, hình dáng của kim cương có thể làm thay đổi màu sắc nếu nhìn bằng mắt thường, ví dụ như so sánh kim cương  màu G hình lục giác với một viên kim cương màu H hình tròn là không chính xác, hãy so sánh màu của hai viên kim cương có cùng hình dáng.
Các kiểu cắt mài kim cương
  • Quý khách có thể không biết về chất lượng của lớp cắt hai viên kim cương. Lớp cắt ảnh hưởng rất lớn đến sự phản chiếu ánh sáng của viên kim cương do đó làm thay đổi màu sắc của nó. Khi so sánh một viên kim cương có lớp cắt là G ( Good) màu H với một viên kim cương có lớp cắt EX (Excellent) màu G sẽ thấy sự cải thiện rõ rệt về màu sắc, quý khách sẽ nhận ra ngay sự khác biệt giữa màu G và màu H, khi so sánh màu quý khách cũng nên lưu ý đến các yếu tố khác trong lớp cắt như độ sâu, kích thước mặt bàn, sự đối xứng và huỳng quang.
Tỷ lệ cắt mài chuẩn

Việc thiết kế chiếu sáng trong các cửa hàng trang sức cũng làm tăng vẻ đẹp cho kim cương (ví dụ như việc sử dụng ánh sáng xanh sẽ làm cho kim cương có màu vàng sẽ chuyển sang trắng hơn). Khi muốn mua một viên kim cương bất kỳ hãy xem nó dưới ánh sáng trắng hoặc ánh sáng bình thường. Ví dụ như bên ngoài cửa  hàng, bên cửa sổ hay dưới ánh sáng mặt trời (10 giờ sáng đến 2 giờ chiều). Khi đó quý khách sẽ thấy thật sự viên kim cương của mình sẽ trông như thế nào trong điều kiện bình thường.
Hộp đèn ánh sáng trắng để so màu kim cương

Hãy cẩn thận vì trọng lượng của viên kim cương thường được làm tròn lên, ví dụ như một viên Kim Cương 0.69 carat có thể được mô tả là 3/4 carat. Luôn luôn hỏi chính xác trọng lượng của viên kim cương và giá mỗi carat để bạn có thể dễ dàng so sánh.

Luôn luôn hỏi bản copy giấy chứng nhận của GIA cho mỗi viên kim cương mà bạn quan tâm. Không nên mua kim cương nếu như không đi kèm giấy chứng nhận.
Giấy chứng nhận kiểm định kim cương của GIA

Hãy phân biệt giữa giấy chứng nhận được cấp bởi GIA và giấy chứng nhận được cấp bởi những người do GIA đào tạo, kim cương được chứng nhận bởi GIA là kim cương được kiểm định trong môi trường tiêu chuẩn của GIA. Còn đối với những người được GIA đào tạo chỉ là những người phân loại kim cương, họ không thể cấp giấy chứng nhận của GIA cho kim cương.

Quý khách hãy lưu ý rằng 1/3 kim cương trên thế giới đã được gian lận bằng một cách nào đó. Sự gian lận đó nhằm làm cho viên kim cương trông có vẻ đẹp hơn, nó có thể làm thay đổi giá trị của kim cương. Kim cương được kiểm định bởi một phòng thí nghiệm uy tín có thể xóa bỏ điều này, nếu không thì một người bình thường không thể nhận ra được kim cương đã qua xử lý.

Thông thường, kim cương tại các cửa hàng sẽ không được niêm yết giá mà chỉ được đánh mã. Bằng cách này cửa hàng có thể sẽ tham chiếu được giá nếu như bạn hỏi, điều này để cho cửa hàng dễ dàng điều chỉnh giá bán.

Kim cương bán ra không bao giờ thấp hơn giá trị thị trường của nó. Bán hàng đi kèm phiếu giảm giá không mang lại cơ hội mua được kim cương dưới giá trị của nó. Những cửa hàng truyền thống thường có giá cao hơn so với các cửa hàng trực tuyến vì chi phí nhiều hơn. Tuy nhiên quý khách lại có cơ hội ngắm trực tiếp viên kim cương mà mình định mua.

Chế độ bảo hành và giấy đảm bảo Trang sức

Hầu hết các cửa hàng trang sức đều có một loạt các chế độ bảo hành và bảo đảm cho tất cả các trang sức bán ra. Khi trang sức được hồi lại có giấy đảm bảo đi kèm thì nó sẽ được mua lại với giá trị thấp hơn giá trị mua lần đầu. Khi mua trang sức quý khách cần lưu ý các điểm sau:
  • Yêu cầu được viết bảo hành, bảo lãnh bằng giấy cho bất kỳ trang sức nào định mua. Tuy nhiên đa số trang sức bán ra không được đảm bảo bằng giấy.
  • Xác nhận về chế độ bảo hành trong đó có việc làm sạch miễn phí và kiểm định trang sức. Hầu hết chế độ bảo hành, bảo đảm đều không áp dụng cho các trường hợp đánh mất, bị mất trộm, hay hư hỏng, đa số các cửa hàng trang sức đều không mua bảo hiểm.
  • Quý khách hãy lưu ý rằng bảo đảm và bảo hành đều có một giá trị nào đó, mục đích cuối cùng nhằm lấy được sự hài lòng và trung thành của quý khách, để đảm bảo quý khách sẽ quay lại mua hàng.
  • Đọc kỹ quy chế bảo hành và bảo đảm để đảm bảo rằng quý khách được bảo hành trong các trường hợp nào.
Bảo vệ Kim Cương của quý khách sau khi mua

Nếu quý khách cần để lại kim cương của mình tại một cửa hàng trang sức (ví dụ như để đưa vào ổ, hay làm sạch hoặc sửa chữa), quý khách có thể lo lắng về việc tráo kim cương của mình thành một viên khác có giá trị thấp hơn, hãy làm theo những chú ý sau:

Nếu viên kim cương của bạn có giấy chứng nhận bởi GIA, thì trên viên kim cương sẽ có dòng chữ ghi mã số của viên kim cương đó, bạn có thể kiểm tra lại mã số khi nhận lại viên kim cương. Hãy lưu ý cửa hàng rằng bạn biết điều đó và để họ tránh làm hỏng hoặc vô tình che khuất đi đưa vào ổ hoặc sửa chữa làm sạch.
Mã số khắc bằng lazer trên gờ kim cương GIA
  • Yêu cầu cửa hàng cho quý khách xem mã số của viên kim cương thông qua máy soi và so nó với giấy chứng nhận của bạn. Điều này sẽ loại trừ được rủi ro đánh tráo viên kim cương của bạn.


  • Nếu viên kim cương của quý khách có giá trị lớn hãy đưa nó đến kiểm định độc lập tại một bên thứ ba và yêu cầu có giấy các chỉ số của viên kim cương trước khi đưa nó cho người khác. Sau khi nhận lại viên kim cương quý khách mang nó trở lại kiểm định và so với chỉ số trên giấy trước khi bạn giao viên kim cương đi.




Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

CHỌN NHẪN PHÙ HỢP DÁNG BÀN TAY


Chiếc nhẫn phải phù hợp với sở thích, tích cách của từng người và làm tôn lên vẻ đẹp cho đôi bàn tay. Một vài gợi ý sau đây sẽ giúp bạn chọn được chiếc nhẫn phù hợp nhất cho mình.

NGÓN TAY THON DÀI

Hình dáng ngón tay này có thể lựa chọn hầu như tất cả các kiểu nhẫn như mặt hình tròn, hình bầu dục, hình vuông. Đặc biệt, nhẫn có mặt kim cương hình chữ nhật bo góc (cushion) hoặc mặt kim cương hình chữ nhật nhọn góc (princess) rất hợp với những ngón tay thon dài. 
Nhẫn có mặt chữ nhật nhọn góc rất hợp với ngón tay thon dài

Kiểu cắt bo góc làm đường nét viên kim cương trở nên mềm mại mà vẫn khác biệt rõ nét so với kiểu kim cương cắt tròn. Viên kim cương này tượng trưng cho sự lãng mạn của người phụ nữ nào mang nó trên tay.

Nhẫn cắt kiểu princess với hình dáng vuông vắn và tinh xảo của viên kim cương là lựa chọn của những ai vừa trân trọng nét truyền thống, vừa muốn một chút khác biệt nhỏ để tạo điểm nhấn.

NGÓN TAY NGẮN

Nhiều người có ngón tay ngắn thường nghĩ rằng họ rất khó chọn nhẫn, nhưng sự thực không phải vậy. Nhẫn đính đá tròn sẽ làm ngón tay của bạn càng thêm ngắn. Bạn nên chọn nhẫn có mặt đá hoặc mặt kim cương không quá lớn, để nhẫn không “nuốt chửng” ngón tay của bạn. Nhẫn có mặt hình hạt thóc, dạng quả lê hoặc giọt nước sẽ tạo cảm giác ngón tay trông thon dài hơn.
Người có ngón tay ngắn nên chọn nhẫn cưới mặt hạt thóc

NGÓN TAY MŨM MĨM 

Một chiếc nhẫn nhỏ không giúp ngón tay mũm mĩm trong nhỏ hơn mà còn khiến ngón tay của bạn trông lớn hơn. Một chiếc nhẫn quá nhỏ sẽ bị chỉm nghỉm so với những ngón tay mũm mĩm, to lớn của bạn. 
Nhẫn có bản dày sẽ tôn thêm vẻ đẹp cho ngón tay mũm mĩm


Bạn nên chọn nhẫn có bản , đảm bảo rằng nó che được 1/3 đốt ngón tay đầu tiên. Hoặc nhẫn kép với nhiều chiếc nhẫn xếp chồng lên nhau, giúp che bớt sự mũm mĩm của ngón tay. Hơn nữa, kiểu nhẫn này tạo sự nổi bật, bắt mắt cho đôi tay của bạn. Nhẫn có mặt hình hạt thóc hay hình bầu dục cũng là lựa chọn lý tưởng cho bạn.

BÀN TAY TO

Một chiếc nhẫn gắn đá nhỏ có thể bị mất hút trên bàn tay to lớn của bạn. Bạn có thể chọn nhẫn bản vừa, mặt hồng ngọc, hình bầu dục hoặc hình thoi bản lớn để giúp ngón tay thêm thon thả và nhỏ nhắn.
Mặt nhẫn có hình bầu dục rất hợp với bàn tay to

BÀN TAY NHỎ

Mặt hình trái tim, hình bầu dục, tròn hoặc vuông bản nhỏ đều phù hợp với dáng bàn tay này. Tuy nhiên, bạn không nên chọn nhẫn có bản dày, phần mặt to sẽ khiến bàn tay trông càng nhỏ nhắn. Nếu bạn có ngón tay tay dài thì còn có thể thử nhẫn có mặt hình hạt thóc cũng rất đẹp.
Nhẫn có mặt nhỏ nhắn phù hợp với bàn tay nhỏ

ĐEO NHẪN Ở NGÓN TAY NÀO?

Bàn tay chúng ta có 10 ngón, đồng nghĩa với 10 vị trí đeo nhẫn khác nhau. Đã bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi nên đặt nhẫn ở ngón nào chưa?

Đầu tiên, chúng ta hãy cùng thống nhất về tên gọi các ngón tay.

1: Ngón cái.
2: Ngón trỏ.
3: Ngón giữa.
4: Ngón áp út.
5: Ngón út.


1. ĐEO NHẪN NGÓN CÁI

Ngón cái là yếu tố quan trọng nhất của bàn tay. Một mình ngón cái đóng vai trò như một bên cọng kìm, giúp chúng ta cầm nắm được mọi vật thật chắc. Chính vì thế ngón cái biểu trưng cho sức mạnh. Đôi khi bạn vẫn hay dùng ngón cái chỉ vào ngực và nói lên: Chính là tôi đấy! hay mỗi khi bạn thành công, bạn đều giơ ngón cái lên trời, hét lên: I did it, tôi đã thành công rồi …

Cũng vì thế mà nhẫn phù hợp với “ngón tay sức mạnh” thường là nhẫn to, trông khỏe khoắn và hầm hố nhất. 

2. ĐEO NHẪN NGÓN TRỎ

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi bạn chỉ trích con cái hay ra lệnh cấp dưới làm điều gì đó, bạn thường chỉ ngón tay trỏ vào đối phương. Chính vì vậy ngón trỏ đóng vai trò là ngón tay quyền lực. Khi đeo nhẫn ngón trỏ, thường bạn sẽ thấy tự tin và tham vọng hơn. Đeo nhẫn ngón trỏ cũng là một cách chứng minh bạn là người có năng lực giải quyết mọi việc.

Nhẫn thích hợp với ngón trỏ thường là các nhẫn đơn giản nhưng sắc sảo.


3. ĐEO NHẪN NGÓN GIỮA

Ngón giữa cũng là ngón dài nhất, nó như biểu tượng của một kỉ lục cao để chúng ta cố gắng phấn đấu vươn tới. Đôi khi trên phim, hay trên các chương trình thể thao, các bạn có thể bắt gặp hành động giơ ngón tay giữa lên trời, đó như là một cách thách thức, kiểu như: đố anh làm được như tôi đấy...

Đeo nhẫn ngón giữa đồng nghĩa với việc bạn đang cố gắng làm một việc gì đó. Cố gắng thi đỗ đại học, hay cố gắng cưa cẩm một cô nàng. 


4. ĐEO NHẪN NGÓN ÁP ÚT

Ngón áp út là ngón được phân bố thần kinh nhiều nhất và theo y học thì ngón áp út có mạch máu chạy thẳng lên động mạnh của tim. Minh chứng cho việc đó là khi đi viện, các bác sĩ thường lấy kim chọc thẳng vào đầu ngón áp út để chích lấy máu xét nghiệm. Cũng chính vì thế nên ngón áp út là ngón biểu tượng cho tình yêu, tượng trưng cho sự trọn vẹn, vĩnh hằng. Thường thì mọi người đeo nhẫn ở ngón áp út bên bàn tay trái, vì họ cho rằng tay trái gần tim và tránh bất tiện trong công việc hằng ngày: viết, bắt tay…
           
Nhẫn cho ngón áp út thường là nhẫn đôi, nhẫn cưới. Hãy thận trọng trong việc đeo nhẫn ngón này vì khi bạn chưa có “ý chung nhân” mà đeo nhẫn ngón áp út thì đi ra ngoài thì không có chàng nào “ hỏi thăm “ bạn đâu.   
 
                   

5. ĐEO NHẪN NGÓN ÚT

Cân bằng với ngón tay sức mạnh (ngón cái) là ngón út. Ngón út – ngón của yếu đuối mong manh nhưng không thể thiếu được. Mọi người vẫn thường bảo lời nói gió bay, nhưng ai cũng muốn được nghe lời hứa, lời thế. Chính vì thế ngón út thường được minh chứng cho sự đảm bảo. Đeo nhẫn ngón út có thể là bạn đang mang một lời hứa: không yêu ai, hay không kết hôn,.. đeo nhẫn ngón út cũng là cách mà các bạn trẻ chứng minh cho trinh tiết của mình.
        

Bên dưới đây thêm một cách giải thích khác cũng rất thú vị và thuyết phục về lý do mọi người “đeo nhẫn đôi, nhẫn cưới ở ngón áp út”:

Ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón tay trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là chính bạn, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời của bạn, và ngón út tượng trưng cho con cái của bạn.

Bây giờ bạn hãy để hai bàn tay đối diện nhau, gập ngón tay giữa lại và áp sát chúng vào nhau, đồng thời các ngón tay còn lại chống vào nhau ở đầu mút ngón tay.
           
Bây giờ bạn hãy thử tách hai ngón tay cái, rồi sau đó ngón tay trỏ và ngón út rời nhau ra… Bạn sẽ thấy chúng tách nhau ra dễ dàng. Đó là bởi cha mẹ bạn không thể sống suốt đời với bạn, vì một ngày nào đó cha mẹ cũng sẽ rời xa bạn. Anh em bạn cũng thế, họ sẽ có gia đình riêng và sẽ rời xa bạn để lo liệu cho cuộc sống của mình. Cuối cùng con cái bạn cũng vậy, chúng sẽ dựng vợ gả chồng và tạo dựng cuộc sống của riêng mình chứ không thể sống cùng bạn mãi mãi.
          
Thế còn ngón áp út thì sao? Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi bạn không thể tách rời chúng ra khỏi nhau! Đó là bởi bạn cùng người bạn đời của bạn được số phận mang đến với nhau để hòa quyện, gắn bó với nhau không thể tách rời suốt cả cuộc đời, cho dù tất cả thế giới này bỏ hai bạn ra đi và cuộc sống của hai người có trải qua bao thăng trầm, ngọt đắng đến thế nào đi nữa.
         
Đó chính là lý do tại sao người ta lại đeo nhẫn đôi, nhẫn cưới ở ngón áp út.






Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

ĐÁ SINH NHẬT (BIRTHSTONES) – QUAN NIỆM VÀ SỬ DỤNG


Từ lâu, theo quan niệm của người phương Tây, đá quý hay đá bán quý có quan hệ mật thiết với sinh nhật của người mang nó. Những loại đá tượng trưng cho sinh nhật thường được gọi bằng cái tên vắn tắt là đá sinh nhật (birthstones) và mỗi loại đá được gán cho một tháng trong năm. Nguồn gốc của quan niệm này được cho là có từ thời cổ đại. Các nhà học giả quan tâm về vấn đề này đã tìm thấy các dấu tích trong các bản khắc mô tả về Aaron trong sách kinh thánh có tên là Exodus (Xuất hành). Các bản khắc được tìm thấy đã mô tả một sự thiết lập với 12 loại đá quý (bán quý) đại diện cho 12 chi tộc tại Israel. Chúng được nhóm lại thành bốn nhóm với ba loại đá trong mỗi nhóm như sau:
  Nhóm 1: sardius, topaz (hoàng ngọc) và carbuncle (hồng ngọc)
  Nhóm 2: emerald (ngọc lục bảo), sapphire (ngọc bích ) và diamond (kim cương)
  Nhóm 3: ligure, agate (mã não) và amethyst (thạch anh tím)
  Nhóm 4: beryl, onyx and jasper
Các tác phẩm của Josephus Flavius ​​(thế kỷ 1 sau Công nguyên) và St Jerome (thế kỷ thứ năm sau Công nguyên) đã đề cập đến sự kết nối giữa 12 loại đá trong các bản khắc và 12 cung hoàng đạo. Quan niệm này cho rằng mỗi loại đá quý có quyền năng đặc biệt liên quan đến dấu hiệu chiêm tinh tương ứng, và nếu mang những viên đá vào đúng thời điểm sẽ có lợi ích điều trị hoặc như một phép bùa.

Nhưng điều này không hẳn tương tự như khái niệm mà chúng ta đề cập về Birthstone. Nếu dựa trên mô hình chiêm tinh này, người ta cần phải sở hữu một bộ sưu tập của 12 loại đá quý khác nhau được gán cho những dấu hiệu của hoàng đạo và mang đá quý phù hợp trong khoảng thời gian ưu thế của các dấu hiệu tương ứng. Đây giống như là truyền thống chiêm tinh trong kinh Vệ Đà của Ấn Độ tức là gán 9 loại đá quý khác nhau đến 9 hành tinh trong hệ mặt trời và quy định việc mang các viên đá quý đặc biệt theo sức khỏe của bạn cũng như những thách thức bạn phải đối mặt trong cuộc sống.

Ý tưởng mỗi người luôn luôn mang một loại đá quý tương ứng với tháng sinh của mình là một ý tưởng hiện đại hơn mà các học giả đã biết đến từ thế kỷ 18 ở Ba Lan cùng với sự xuất hiện của thương nhân đá quý Do Thái trong khu vực. Nhưng cho đến năm 1912, danh sách các loại birthstones đã được xác định bởi Hiệp hội quốc gia đồ trang sức Hoa kỳ (Jewelers of America).

Danh sách các loại đá Birthstone hiện đại đã gần như không thay đổi kể từ năm 1912. Chỉ gần đây đã có hai lần giới buôn bán đá quý cố gắng thay đổi nó, cả hai lần đều liên quan đến đá tanzanite. Năm 2002, Hiệp hội Thương mại đá quý Mỹ (AGTA) thông báo rằng họ đã thêm đá tanzanite như một Birthstone cho tháng mười hai, mặc dù tháng mười hai đã có hai birthstones (turquoise và zircon). Các nhà buôn trang sức của Mỹ cũng đã ủng hộ ý tưởng này.

Vào tháng Hai năm 2006, công ty TanzaniteOne Ltd, một công ty kinh doanh đá tanzanite có nhiều tham vọng đã công bố một chiến lược tiếp thị để làm cho đá tanzanite một loại đá Birthstone. Thậm chí tham vọng của TanzaniteOne không những trở thành một loại đá Birthstone, mà xa hơn thế họ muốn chúng gắn liền với sự ra đời của mỗi trẻ em. Với khẩu hiệu “Be Born to Tanzanite”, họ đã trích dẫn các thông tin về quan niệm của bộ lạc Masai. Cho đến thời điểm hiện nay chúng ta có thể nói rằng việc thương mại hóa Birthstones hoàn tất.

Bạn hãy tham khảo danh sách các Brithstones do Hiệp hội Thương mại đá quý Mỹ (AGTA) công bố và hãy chọn cho mình một viên đá.

Đá sinh nhật (Birthstones) và các thông tin liên quan đến cung hoàng đạo
Đá sinh nhật tháng 1 – Ngọc hồng lựu (Garnet)

Nếu bạn được sinh ra vào tháng 1, thực sự chỉ có một lựa chọn duy nhất cho viên đá birthstones của mình đó là Garnet (Ngọc hồng lựu). Tuy nhiên, rất may mắn là nhóm Garnet rất đa dạng về màu sắc. Mặc dù màu đỏ là phổ biến nhất, nhưng cũng có những Garnet cho thấy sắc thái khác nhau của màu xanh lá cây, hơi xanh cho đến vàng sáng, cam lửa. Chỉ có màu xanh da trời (blue) là hiếm khi xuất hiện ở garnet. Tuy vậy gần đây tương đối nhiều Garnet mầu xanh blue đã được phát hiện ở Madagascar.
Garnet là đá ứng với Cung hoàng đạo Bảo Bình (Aquarius) với những người được sinh trong khoảng từ 21 tháng Một đến 18 tháng Hai.

Quyền năng của chúng được cho là có sức mạnh bảo vệ bạn khỏi những cơn ác mộng và cũng là người bạn đường tin cậy của bạn trong bóng tối. Với sức khỏe, chúng cũng được cho là tốt cho hệ tuần hoàn.

Ngoài ra, chúng là lựa chọn phổ biến của những món quà cho dịp kỷ niệm lần thứ hai.
Đá sinh nhật tháng 2 – Thạch anh tím (Amethyts)
Theo danh sách Birthstone cho tháng Hai là Thạch anh tím (Amethyts). Trong thời gian tương đối dài trước đây, với mầu tím đậm đặc trưng, Thạch anh tím đã từng được coi là đá quý xếp hạng ngang hàng với sapphire, ruby và ngọc lục bảo (emeral). Tuy nhiên, ngày nay Thạch anh tím đã được phân loại lại và trở thành một loại đá quý thông thường khi một trữ lượng lớn đã được tìm thấy ở Brazil, Uruguay trong nửa đầu của thế kỷ XIX. Ngày nay thạch anh tím không còn hiếm, nhưng nó vẫn tiếp tục là một trong những loại có giá trị nhất của dòng thạch anh. Màu sắc của nó là khá độc đáo trong thế giới đá quý. Ta cũng có thể bắt gặp fluorit và spinel có màu tím sâu, và đôi khi bạn sẽ nhìn thấy sapphire và tourmaline màu tím, nhưng thạch anh tím là loại đá quý duy nhất có màu cơ bản là màu tím. Thạch anh tím có thể hiển thị tất cả các màu sắc tím từ mầu hoa oải hương nhạt đến màu tím sâu nhất.
Thạch anh tím là đá ứng với Cung hoàng đạo Song Ngư (Pisces) với những người được sinh trong khoảng từ 19 tháng Hai đến 20 tháng Ba.

Quyền năng của chúng được cho là tạo ra sự hòa nhã, thanh thản và điều độ trong con người bạn đồng thời nó sẽ làm giảm sự ảnh hưởng của nhục dục và cồn rượu (điều này là tốt hay xấu tùy thuộc vào bạn
). Chúng cũng sẽ bảo vệ bạn khỏi sự lừa dối. Với sức khỏe, có quan niệm cho rằng có thể cải thiện làn da và mái tóc thậm chí sẽ ngăn chặn chứng hói đầu. Màu tím liên tưởng với hoàng gia và là một món quà lý tưởng cho các dịp kỷ niệm lần thứ sáu.
Đá sinh nhật tháng 3 – Ngọc xanh biển (Aquamarine)
Theo danh sách Birthstone cho tháng Hai là Ngọc xanh biển (Aquamarine). Bloodstone đôi khi được dùng để thay thế kể từ khi nó được coi là đá của cung Hoàng đạo Bạch Dương (Aries từ 21 tháng Ba đến 20 tháng Tư).

Aquamarine thuộc họ beryl, trong đó có các loại như ngọc Lục bảo (Emeral) và morganite. Mặc dù aquamarine và ngọc Lục bảo cùng thuộc một họ, nhưng đáng ngạc nhiên là chúng rất khác nhau. Chúng đề có thành phần hóa học chính là silicat nhôm berili. Ở ngọc Lục bảo chúng có chứa một lượng nhỏ crom và hoặc vanadium trong khi aquamarine chứa một lượng nhỏ sắt. Ngọc Lục bảo và beryl có trọng lượng riêng, chỉ số khúc xạ tương tự nhưng ngọc Lục bảo có xu hướng mờ, trong khi aquamarine thường có sự trong sáng tuyệt vời.
Aquamarine và Bloodstone là đá ứng với Cung hoàng đạo Bạch Dương (Aries) của những người được sinh trong khoảng từ 21 tháng Ba đến 20 tháng Tư.

Quyền năng của chúng được cho là tạo ra sức khỏe tốt, tình yêu, sự trẻ trung và niềm hy vọng. Thủy thủ tin vào sứ mệnh che chở bảo vệ của nó. Chúng là một món quà lý tưởng cho các dịp kỷ niệm lần thứ 19.
Đá sinh nhật tháng 4 – Kim cương (Diamond)
Kim cương được AGTA liệt kê là loại đá dành cho những ai sinh vào tháng 4. Kim cương không cần phải nói thêm điều gì bởi sự nổi tiếng của nó.
Kim cương và Sapphire là loại đá quý ứng với Cung hoàng đạo Kim Ngưu (Taurus) của những người được sinh trong khoảng từ 21 tháng Tư đến 21 tháng Năm.

Kim cương là biểu tượng của sức mạnh, lòng can đảm và sự bất khuất. Qua nhiều thế kỷ, nó trở thành món quà tối thượng của tình yêu. Viên đá phù hợp cho những dịp kỷ niệm 10 năm và 60 năm. Trong khi đó Sapphire được coi là loại đá chiêm tinh cho cung Kim Ngưu.
Đá sinh nhật tháng 5 – Ngọc lục bảo (Emerald)
Theo danh sách Birthstone cho tháng Năm là ngọc Lục bảo (Emerald), một loại đá có mầu xanh lá cây huyền bí. Ngọc Lục bảo là loại quý giá nhất trong nhóm Beryl. Màu xanh lá cây tuyệt vời của ngọc Lục bảo là duy nhất trong thế giới đá quý. Màu sắc phổ biến nhất và có giá trị là màu xanh lá cây hơi có sắc xanh da trời trong một gam mầu hơi tối sinh động. Điều quan trọng là những bao thể vùi được dung nạp trong ngọc Lục bảo lại là điều tốt. Không giống như đá quý họ beryl khác, ngọc Lục bảo thường có chứa tạp chất và sai sót, những sai sót được coi là một phần quan trọng đá và chúng được sử dụng để đảm bảo rằng chúng là đá tự nhiên.
Ứng với Cung hoàng đạo Song Tử (Gemini) của những người được sinh trong khoảng từ 22 tháng Năm đến 21 tháng Sáu là đá Mã não (Agate).

Người ta cho rằng ngọc Lục bảo sẽ mang lại sức khỏe tốt cho những người mang nó. Ngoài ra, người ta tin rằng người đeo ngọc Lục bảo có thể nhìn thấy trước tương lai. Chúng là một món quà lý tưởng cho các dịp kỷ niệm lần thứ 20 và 35 năm.
Đá sinh nhật tháng 6 – Ngọc trai (Pearl), Đá Mặt trăng (Moonstone)
Ngọc trai và đá Mặt trăng được cho là phù hợp với những người có sinh nhật trong tháng 6.
Đá mặt trăng, sở dĩ có tên như vậy bởi sự phản xạ ánh sáng trong một hiện tượng lung linh đặc biệt được gọi là adularescence. Ánh sáng phản xạ đáng yêu này là do sự kết hợp của orthocla và albite xếp lớp, ánh sáng phản xạ từ các lớp không quá dày tạo nên tính chất quang học bất thường này. Đá Mặt trăng là loại nổi tiếng nhất trong dòng khoáng vật fenspat orthocla. Chúng có từ không mầu cho đến vàng xám, trong mờ và bán trong suốt.

Ngọc trai là sản phẩm của động vật thân mềm hai mảnh vỏ (chủ yếu là hàu, trai). Chúng được xây dựng lên xà cừ, trong đó chủ yếu là canxi cacbonat trong dạng tinh thể aragonit và một chất sừng hữu cơ gọi là conchiolin mà liên kết với các microcrystals đồng tâm xung quanh một tạp chất trong cơ thể của trai.

Cả hai loại đá này đều có liên quan đến sự tinh khiết và khiêm tốn. Hôn nhân bền vững cũng được cho là ngọc trai mang lại. Ngọc trai là một món quà lý tưởng cho các dịp kỷ niệm lần thứ 3 và 30 năm.
Ứng với Cung hoàng đạo Cự Giải (Cancer) của những người được sinh trong khoảng từ 22 tháng Sáu đến 22 tháng Bảy là đá ngọc Lục bảo (Emerald).
Đá sinh nhật tháng 7 – Hồng Ngọc (Ruby)
Ruby là corundum (Ôxít nhôm) màu đỏ, tất cả các nhóm khác của corundum mà không có mầu đỏ được gọi là sapphire. Corundum cứng thứ hai trên thang Mohs – độ cứng 9. Nó là sự kết hợp của độ cứng tuyệt vời và màu sắc phong phú và sáng mượt mà làm cho ruby rất có giá trị.

Hồng ngọc sẽ mang lại sự hài hòa của cuộc sống cho người mang nó, vì vậy người ta có thể mong đợi một cuộc sống yên bình khi mang đá này. Chúng là một món quà lý tưởng cho các dịp kỷ niệm lần thứ 15 và 40 năm.
Ứng với Cung hoàng đạo Sư Tử (Leo) của những người được sinh trong khoảng từ 23 tháng Bảy đến 23 tháng Tám là đá Onyx.
Đá sinh nhật tháng 8 – đá Ngọc Thạch Vàng Lục (Peridot)
Peridot là tên theo tiếng Anh dùng để chỉ một biến thể có màu lục của khoáng vật olivin, là loại silicat chứa Mg và Fe với hàm lượng Mg lớn hơn Fe. Với màu sắc lục phớt vàng đặc trưng (màu oliu) đây là một đá quý hết sức đặc biệt, có trong các đá núi lửa và trong cả thiên thạch rơi xuống trái đất. Người La Mã gọi peridot là “emerald hoàng hôn” vì màu lục của chúng không tối vào ban đêm và vẫn thấy được dưới ánh đèn. Người ta cho rằng peridot giúp tăng thêm sức mạnh cho bất kỳ loại thuốc nào. Chúng là một món quà lý tưởng cho các dịp kỷ niệm lần thứ 16 năm.
Ứng với Cung hoàng đạo Xử Nữ (Virgo) của những người được sinh trong khoảng từ 24 tháng Tám đến 22 tháng Chín là đá Carnelian.
Đá sinh nhật tháng 9 – đá Saphia (Sapphire)
Sapphire là dạng tinh thể đơn của ôxit nhôm (Al2O3), là một khoáng chất có tên corundum. Sapphire bao gồm tất cả các dạng đá quý thuộc nhóm khoáng chất corundum ngoại trừ Hồng ngọc. Nhóm corundum bao gồm các dạng ôxit nhôm tinh khiết. Áp suất và nhiệt độ lòng đất làm cho ôxit nhôm kết tinh thành những viên đá quý đẹp màu trắng. Hàm lượng các tạp chất khác nhau trong Sapphire như sắt và crôm làm cho nó các sắc xanh, đỏ, vàng, hồng, tím, da cam hoặc lục nhạt. Hồng ngọc cũng thuộc nhóm corundum. Trong nhiều năm, các chuyên gia đã tranh luận về chuyện những loại đá gì được gọi là Sapphire cho đến khi thống nhất được rằng corundum đỏ sẽ được gọi là hồng ngọc (ruby) còn corundum với tất cả các màu khác sẽ được gọi là “Sapphire”. Đức tin và sự tinh khiết sẽ đến với người mang đá này. Chúng là một món quà lý tưởng cho các dịp kỷ niệm lần thứ 5 và 45 năm.
Ứng với Cung hoàng đạo Thiên Bình (Libra) của những người được sinh trong khoảng từ 23 tháng Chín đến 23 tháng Mười là đá Kim Lục Thạch (Chrysolite).
Đá sinh nhật tháng 10 – Ngọc mắt mèo hoặc Tourmaline (Opal, Tourmaline)
Tất cả các thành viên của họ đá Opal (Ngọc mắt mèo) – Opal thông thường, Opal bán quý, opal lửa và opal kết tảng – được tạo thành từ dioxide silicon ngậm nước, một loại keo kết thạch cứng. Opal chứa một lượng nước đáng kể, thường là từ 3 đến 10%.

Tourmaline bắt nguồn từ thuật ngữ của người Singhala “turamali”, có thể dịch là “một loại đá pha trộn màu sắc”. Cái tên đã đề cập đến tính chất quang phổ độc đáo hiển thị màu sắc của loại đá này. Tourmaline có nhiều màu sắc, từ không màu cho tới màu đen. Nó có thể hiển thị tất cả các giai điệu từ nhạt đến tối và có thể xuất hiện các màu sắc khác nhau trong cùng một viên đá. Có một tên gọi khác cho loại đá này là “đá nhiệt điện” bời khi ép viên đá dưới một áp lực, hai đầu viên đá sẽ xuất hiện một hiệu điện thế.

Ngọc mắt mèo tượng trưng cho hy vọng, sự ngây thơ và tinh khiết. Ngọc mắt mèo kích thích chữa bệnh và làm tăng tình bạn và tình cảm lành mạnh.
Ứng với Cung hoàng đạo Bò Cạp (Scorpio) của những người được sinh trong khoảng từ 24 tháng Mười đến 22 tháng Mười Một là đá Ngọc Lục Thạch (Beryl).
Đá sinh nhật tháng 11 – Hoàng ngọc vàng hoặc Thạch anh vàng (Yellow Topaz, Citrine)
Thạch anh vàng là một trong các loại đá quý giá cả phải chăng nhất. Đặt tên từ tên tiếng Pháp của chanh, “citron,” có nhiều Thạch anh vàng có màu vàng chanh dịu dàng gợi cảm. Citrine có từ màu vàng thuần sắc đến màu cam nâu.
Topaz có khả năng chữa bệnh và khiến cho người mang nó có được sự tỉnh táo. Đá gắn liền với cuộc sống và sức mạnh của cơ thể, tâm trí. Chúng đã từng được nghĩ rằng người mang nó sẽ trở nên vô hình khi nguy hiểm là gần.
Ứng với Cung hoàng đạo Nhân Mã (Sagittarius) của những người được sinh trong khoảng từ 23 tháng Mười Một đến 21 tháng Mười Hai là đá Thạch Anh Vàng (Citrine).
Đá sinh nhật tháng 12 – Lam Ngọc (Turquoise), Hoàng Ngọc (Blue Topaz), Tanzanite, Blue Zircon, Ngọc Lưu Ly (Lapis Lazuli)
Nếu bạn được sinh ra trong tháng 12, thật may mắn là có nhiều loại đá là đá sinh nhật dành cho bạn. Hầu hết các loại đá dành cho sinh nhật tháng 12 đều có mầu xanh da trời.

Lam Ngọc (Turquoise): Màu Lam Ngọc Turquoise đã được con người biết đến giá trị của nó từ hàng ngàn năm. Các mỏ đầu tiên được phát hiện tại Sinai, Ai Cập, đã được khai thác từ năm 2000 trước Công nguyên. Ngày nay, Lam Ngọc tốt nhất được tìm thấy ở Iran. Lam Ngọc lần đầu tiên được đưa đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, do đó tên của nó Turquoise, có nghĩa là “Thổ Nhĩ Kỳ″ trong tiếng Pháp. Màu xanh da trời rực rỡ của Lam Ngọc đã không bao giờ làm mất niềm đam mê của những người yêu thích đá quý. Nhưng do tương đối mềm (5-6 trên thang Mohs) và có độ xốp đòi hỏi phải có một số chăm sóc đặc biệt. Màu xanh của Lam Ngọc mang lại vận may, sự may mắn và một cuộc sống hạnh phúc, điều mà mọi người đều muốn có.

Hoàng Ngọc xanh da trời (Blue Topaz): là một loại đá quý quan trọng trong lĩnh vực trang sức bởi độ cứng rất cao của nó (8 trên thang Mohs) và chỉ số khúc xạ rất cao. Topaz tự nhiên xuất hiện trong nhiều màu sắc bao gồm nâu, vàng, cam, đỏ, hồng và xanh dương. Các hoàng ngọc màu xanh, xanh nhạt đến màu xanh trung bình được tạo ra bởi xử lý chiếu xạ có thể được tìm được trong một loạt các kích cỡ với giá cả phải chăng. Bạn sẽ tìm thấy một loạt các sắc thái trong hoàng ngọc xanh, từ nhạt màu xanh da trời cho sâu sắc hơn: xanh Thụy Sĩ và xanh London.
Tanzanite đã trở thành một loại đá quý quan trọng khi mà vào năm 2002 nó đã được thêm vào danh sách các Birthstone chính thức cho tháng Mười Hai của Hiệp hội Thương mại Đá Quý Mỹ. Mặc dù tanzanite là rất phổ biến, nhưng nó lần đầu tiên được phát hiện chỉ trong năm 1967. Ở nơi đâu tiên phát hiện, đến nay Tanzania vẫn là nguồn duy nhất cho tanzanite.
Zircon xanh dương: Do chỉ số khúc xạ cao và tán xạ mạnh, zircon là một loại đá có độ rực rỡ hiếm có. Mặc dù tương đối cứng (6.5-7.5 trên thang Mohs), nhưng zircon có phần giòn và do đó nhạy cảm với va đập và áp lực. Zircon tự nhiên có màu nâu sang màu cam hoặc đỏ. 
Zircon màu xanh mong muốn có được bằng cách xử lý nhiệt. Nhưng chỉ có một số zircon có cấu trúc vật lý đặc biệt mới chuyển sang màu xanh khi bị nung nóng. Đây là lý do tại sao hầu hết các zircon màu xanh đều đến từ Campuchia.

Ngọc lưu ly đã được sử dụng hàng từ ngàn năm cho đồ trang sức và trang trí. Tên của nó là từ “lapis”, trong tiếng Latin là đá và từ “azul” trong tiếng Ả Rập có nghĩa màu xanh. Các lapis tốt nhất đến từ tỉnh Badakhshan ở miền bắc Afghanistan, nơi mà nó đã được khai thác liên tục trong hơn 6.000 năm. Màu xanh thẳm độc đáo của lapis chưa bao giờ bị mất sức hấp dẫn của nó. Loại đá này có giá cả phải chăng với trọng lượng lớn, chúng phổ biến chế tác kiểu cabochon cho nhẫn và vòng đeo tay. Ngọc lưu ly là khá mềm, (5-6 trên thang Mohs) và nhạy cảm với áp lực mạnh, nhiệt độ cao, hóa chất gia dụng.

Ứng với Cung hoàng đạo
 Ma Kết (Capricorn) của những người được sinh trong khoảng từ 22 tháng Mười Hai đến 20 tháng Một là đá Hồng Ngọc (Ruby).